Cách làm trà sữa trân châu và thạch rau câu phô-mai

    • Chuẩn bị
    • Nấu/Nướng
    • Chờ
    • 1 giờ
    • Khẩu phần
    • 4 phần ăn
    • Độ khó

Có một điều mà ngay cả bản thân mình cũng KHÔNG THỂ TIN NỔI. Đấy là tại sao SD tới giờ đã được gần 5 tuổi rồi mà vẫn chưa hề có hướng dẫn trà sữa trân châu tử tế. Quả thật là quá là lạ lùng với một con nghiện trân châu có thâm niên là mình luôn :P :P

Thật ra thì SD cũng đã có bài nói qua về cách làm trân châu rồi, nhưng cũng từ khá lâu và là hướng dẫn rất ngắn thôi, ở trong bài về cách làm chè Bo bo Cha cha nếu bạn nào còn nhớ (không biết món chè này giờ ở Việt Nam còn thịnh hành nữa không nhỉ?). Nhưng cũng chỉ có vậy thôi. Còn về sự kết hợp thần thánh giữa trân châu với trà sữa và thạch phô-mai thì chính thức tới ngày hôm nay mới có bản hướng dẫn đầy đủ và tử tế tại SD :)

Tự làm cả ba món trà sữa, trân châu và thạch rau câu nhân phô-mai đều không khó đâu, không khó một tí nào luôn ấy. Với tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm ở nhà thì mình nghĩ càng nên làm tại nhà để yên tâm là không bị ăn po-ly-me hay các loại hương vị pha trà độc hại cho sức khoẻ. Giá thành trà tự làm có lẽ là cũng rẻ hơn mua sẵn nữa. Độ ngon thì không thua gì cả, thậm chí còn hơn vì trân châu ở nhà vừa to vừa ngon, lại còn muốn ăn bao nhiêu có bấy nhiêu nữa. Khâu mất thời gian nhất chắc là làm trân châu thôi, vì phải nặn từng viên nhỏ một. Mình hay tranh thủ lúc ngồi xem phim thì nặn trân châu, nhất cử lưỡng tiện :D

Thôi không “tán nhảm” nữa, mình vào chủ đề chính luôn nhé. Video hướng dẫn cách làm đầy đủ đã được đăng tại kênh YouTube của Savoury Days như mọi khi. Ở dưới video là công thức đầy đủ kèm theo một số giải thích và ghi chú thêm của mình. Các ghi chú này khá quan trọng và sẽ giúp các bạn tránh thất bại khi làm món đồ uống này nên đừng bỏ qua nhé.

Nếu không xem được video tại blog, các bạn có thể xem trực tiếp trong link này nhé. Video có chế độ bản đẹp HD. Các bạn có thể xem hướng dẫn cách chỉnh chế độ HD ở cuối bài viết cách làm bánh flan này.

CÁCH LÀM TRÀ SỮA TRÂN CHÂU & THẠCH RAU CÂU PHÔ-MAI

Nguyên liệu

A. Phần thạch rau câu

  • 1 hộp pho-mát bò cười
  • 150 ml (2/3 cup) nước cà phê
  • 150 ml (2/3 cup)  nước pha sy-rô dâu
  • 150 ml (2/3 cup) nước cam hoặc chanh leo
  • 150 ml (2/3 cup) nước pha chiết xuất lá dứa
  • 2 thìa cafe bột thạch Agar hoặc bột Jelly
  • Đường tuỳ khẩu vị (khoảng 20 – 30 gram/ 1~2 Tbsp cho một phần thạch)

B. Phần trà sữa

  • 6 túi trà đen hoặc trà xanh dạng túi lọc
  • 1.2 lít (khoảng 5 cups) nước sôi
  • 100 gram (3.5 oz.) sữa đặc có đường (sweetened condensed milk)
  • 1 thìa canh (1 Tbsp) bột sữa (milk powder) (không bắt buộc)
  • đường tuỳ khẩu vị

C. Trân châu

  • 90 gram (3/4 cup) bột năng (tapioca starch)
  • 10 gram (1 Tbsp) bột gạo tẻ (rice flour/ rice starch)
  • 15 gram (2 Tbsp) bột ca cao nguyên chất (cocoa powder) 
  • 20 gram (1.5 Tbsp) đường
  • 70 – 80 ml (1/3 cup) nước sôi

 cách làm trà sữa trân châu

 

(*) Ghi chú về nguyên liệu

1. Về các phần nước có màu để làm thạch: các bạn có thể làm từ nguyên liệu tự nhiên hoặc pha nước với màu thực phẩm, hương liệu của các hãng lớn và đáng tin cậy như Wilton, Americon color… Mình đã giới thiệu cách làm màu thực phẩm từ nguyên liệu tự nhiên trong bài này viết này, nếu cần thì các bạn tham khảo nhé.

Các loại nước mình dùng trong video gồm:

  • nước pha với cà phê phin (các bạn có thể dùng bột cà phê tan cũng được)
  • nước pha với sy-rô dâu (sy-rô dâu nhà làm, mình sẽ đăng công thức sớm)
  • nước chanh leo pha với nước cam
  • nước pha với chiết xuất lá dứa (dùng nước vắt từ lá dứa tươi cũng được nhưng màu nước lá dứa tự nhiên thường hơi nhạt).

Bạn có thể chuẩn bị nước có màu và hương liệu khác tuỳ thích nha.

2. Mình dùng bột rau câu Agar để làm thạch. Bột Agar cho thạch có vị cứng và giòn. Bạn hoàn toàn có thể đổi loại bột thạch hay chất tạo đông khác theo ý thích nhé. Ví dụ như ở Việt Nam mình thấy có loại bột Jelly cho thạch mềm dẻo. Hoặc bên cạnh bột Agar, có thể dùng thêm gelatin để làm cho thạch mềm và dẻo hơn nhưng vẫn có độ cứng giòn… Trên các gói làm thạch thường có ghi lượng bột cần dùng, các bạn có thể dựa vào đây để tính lượng bột thạch cần dùng cho công thức.

3. Để trà sữa có vị thơm và béo của sữa, mình thường dùng sữa đặc và sữa bột. Mình không pha sữa tươi do độ béo của sữa tươi không bằng sữa đặc. Nhưng mình cũng không dùng quá nhiều sữa đặc vì sẽ dễ át mất mùi trà.

Bột sữa là thứ mình thường thêm vào để trà có vị béo và thơm của sữa trong khi không bị mất vị trà. Một vài công thức dùng kem tươi (whipping cream) nhưng mình nghĩ là không nên bởi khi để lạnh, chất béo trong kem tươi sẽ tạo váng trên mặt trà, nhìn không được đẹp mắt lắm. Nhìn chung thì khi dùng sữa bột, sữa đặc, đường và trà pha cùng nhau, mình thấy mùi vị của trà rất thơm ngon, không kém gì ngoài hàng cả.

Sữa bột này các bạn có thể dùng loại hay thương hiệu nào cũng được. Như trong siêu thị tại Đức, Bỉ và Hà Lan thì mình hay mua sữa bột để ở quầy bán sữa để pha cà phê. Sữa này chỉ đơn giản là sữa tươi được chế biến thành dạng bột, rẻ hơn khá nhiều so với sữa bột pha cho em bé.

4. Phần bột gạo tẻ trong công thức trân châu giúp cho trân châu có vị giòn, mình thấy rất giống vị giòn dai của trân châu ngoài hàng. Nếu không có bột gạo thì trân châu sẽ vẫn dai nhưng mềm. Tuỳ khẩu vị mà các bạn lựa chọn nhé.

Cách làm

A. Làm thạch rau câu nhân phô-mai

1. Để riêng từng phần nước cà phê, nước sy-rô dâu, nước chanh leo và nước lá dứa vào trong các bát. Hoà ½ thìa cafe bột Agar vào từng bát, để tối thiểu 1 giờ cho bột nở. Việc ngâm bột thạch trong 1 giờ này sẽ giúp thạch rau câu không bị chảy nước sau khi đông.

* Lưu ý: Tất cả các loại nước trên đều phải nguội khi pha bột Agar vào.

2. Cắt pho-mát bò cười thành từng miếng nhỏ vừa ăn. Xếp pho-mát bò cười vào các ô của khay làm đá viên. Nếu không có khay, bạn có thể xếp pho-mát vào hộp hay khay vuông, để chừa khoảng cách 1.5 – 2 cm giữa các viên pho-mát.

3. Quấy đều một phần nước ngâm bột thạch, đổ vào nồi. Đun ở lửa to. Quấy liên tục trong khi đun. Khi nước bay hơi rồi bắt đầu sôi lăn tăn thì bắc khỏi bếp (lúc này bột thạch đã tan hoàn toàn). Nêm đường cho vừa ăn, quấy cho đường tan hết. Với mỗi phần nước trong công thức, mình dùng 20 – 30 gram đường tuỳ độ đắng hay chua của nước.

4. Đổ thạch vào khay. Hớt bọt trên mặt thạch nếu có. Phần thạch còn dư đổ ra bát hoặc hộp vuông để làm thạch không có nhân.

5. Làm tương tự với các phần thạch còn lại.

6. Khi thạch nguội và tương đối đông thì để thạch vào tủ lạnh tới khi thạch đông cứng hẳn (mất khoảng 1 giờ).

B. Làm trà sữa

1. Cho các túi trà vào bình, đổ nước sôi để hãm trà.

2. Khi nước trà còn ấm nóng, cho sữa đặc và sữa bột vào, quấy đều cho sữa tan. Lượng sữa đặc có thể thay đổi tuỳ khẩu vị nhưng không nên cho quá nhiều, vị sữa sẽ át vị trà. Nên dùng sữa bột vì sữa bột giúp cho trà có vị béo ngậy và thơm hơn và không át đi mùi trà quá nhiều như sữa đặc.

3. Thêm đường tuỳ khẩu vị. Quấy cho tan đều. Để trà nguội rồi để ngăn mát tủ lạnh tới khi dùng.

C. Làm trân châu

1. Cho bột năng và bột gạo tẻ vào bát, trộn đều rồi lấy khoảng 1 – 2 thìa canh (10 – 20 gram), để riêng. Phần bột này ta sẽ dùng để làm bột áo chống dính khi nhồi và nặn bột.

2. Rây bột cacao và đường vào bát, trộn thật đều.

3. Từ từ đổ nước sôi vào bát, vừa đổ vừa quấy liên tục. Khi bột quyện thành một khối thì không cho thêm nước nữa. Đợi bột nguội bớt rồi dùng tay nhồi nhẹ nhàng. Thêm bột áo nếu bột quá ướt và dính (dùng phần bột để riêng ở bước 1). Nhồi tới khi chúng ta có một khối bột mềm dẻo, hầu như không dính tay.

* Lưu ý:

– Bắt buộc phải dùng nước sôi. Nếu nước không đủ nóng, bột sẽ bị chảy nhão.

– Lượng nước có thể thay đổi tuỳ loại bột. Nên cho nước từ từ từng chút một và theo dõi, khi bột bắt đầu quyện thành khối thì dừng lại. Nếu lỡ tay cho quá nhiều nước thì chỉ cần thêm bột năng cho tới khi bột dẻo, không dính tay là được.

– Bột gạo trong công thức giúp cho trân châu có vị dai giòn và hơi cứng một chút. Nếu không có bột gạo trân châu sẽ vẫn dai nhưng mềm hơn. Các bạn có thể thử cả hai loại để chọn loại hợp với khẩu vị của mình hơn nhé.

4. Ngắt từng mẩu bột nhỏ, viên thành viên tròn nhỏ đường kính khoảng 0.8 – 1 cm. Bạn có thể xoa ít bột năng lên tay để chống dính. Làm tới khi hết bột.

5. Đun sôi một nồi nước to. Khi nước sôi mạnh thì thả tất cả bột vào luộc ở lửa to. Dùng thìa quấy nhẹ cho bột không bị dính vào nhau hay dính vào đáy nồi. Khi bột nổi lên mặt nước thì hạ lửa vừa, đun thêm khoảng 1 – 2 phút tới khi bột mềm thì vớt bột ra.

6. Thả bột vào bát nước nóng. Ngâm bột trong nước nóng khoảng 5 – 7 phút rồi vớt ra thả vào bát nước ở nhiệt độ phòng. Việc làm này giúp cho trân châu mềm lâu hơn nhưng vẫn đủ giòn, và đặc biệt là không bị cứng lại khi thả vào trà lạnh. Nếu muốn trân châu rất dai và giòn thì sau khi ngâm nước nóng, bạn có thể thả trân châu vào bát nước lạnh. Nhưng với trân châu kiểu này, khi thả vào trà nên dùng luôn, nếu không trân châu sẽ cứng lại rất nhanh.

* Ghi chú:

– Trân châu đã luộc xong có thể để trong bát nước, để ở nhiệt độ phòng và dùng trong ngày. KHÔNG để trân châu trong tủ lạnh vì sẽ làm trân châu bị cứng. Tương tự, KHÔNG được cho trân châu vào trà rồi để tủ lạnh vài giờ vì trân châu sẽ cứng lại.

– Nếu muốn để trân châu (đã luộc) qua ngày thì vớt trân châu ra khỏi nước. Bỏ vào hộp đậy kín để tủ lạnh. Khi dùng lại thì luộc lại trân châu như bước (5) ở trên. Tuy nhiên thời gian luộc sẽ ngắn hơn một chút và khi vớt trân châu ra có thể thả vào bát nước nguội luôn (bỏ qua bước ngâm nước nóng).

– Các bạn có thể làm trân châu nhiều vị khác nhau dựa theo công thức trên. Ví dụ:

  • Trân châu vị trà xanh: Thay bột ca cao bằng bột trà xanh
  • Trân châu vị dâu: Pha 1 – 2 thìa sy-rô dâu vào nước, đun sôi rồi dùng. Có thể thêm màu thực phẩm đỏ tuỳ thích.

D. Thưởng thức

1. Gỡ rau câu đã đông cứng ra khỏi khuôn. Cắt thành miếng nhỏ vừa ăn nếu dùng khuôn là hộp lớn. Lưu ý: để trân châu không bị chảy nước, ngoài việc cần ngâm bột Agar nở trong khoảng 1 giờ thì nên để thạch trong khuôn tới khi dùng mới gỡ ra. Thạch gỡ ra sớm (và cắt miếng sớm) sẽ dễ bị chảy nước hơn.

2. Cho trân châu, thạch vào cốc. Đổ trà sữa. Dùng lạnh.