Du kí Marrakesh – Medina, Souk, Tajine và hơn thế nữa (Phần 2)

Cỡ chữ

Xem PHẦN 1 tại ĐÂY

Những ốc đảo trong lòng thành phố

Medina Marrakesh hấp dẫn du khách không chỉ ở những con hẻm nhỏ lát gạch lắt léo và khu chợ sầm uất từ sáng tới tận tối khuya mà còn bằng những địa danh mang đậm dấu ấn Hồi giáo và cả những khoảng xanh kì diệu tựa như một ốc đảo nhỏ trong lòng thành phố nữa.

Medersa Ben Youssef là một nơi như thế. Thành lập từ thế kỉ 14, mở rộng vào thế kỉ 16, nơi đây đã từng là học viện đào tạo Hồi giáo và luật lớn và danh giá nhất khu vực Bắc Phi. Trải qua hàng trăm năm với bao nhiêu biến động, sự quyến rũ và ấn tượng của công trình này dường như không hề suy chuyển. Đi qua một hành lang dài, bước qua chiếc cửa gỗ lớn được chạm khắc công phu, chúng tôi không kìm được cảm giác choáng ngợp với khoảng không gian trước mắt. Một bể nước lớn phản chiếu nền trời xanh. Bốn bề xung quanh là các bức tường thạch cao trắng với vô số hoạ tiết đẹp mắt với chân tường là những mảng gạch men zeillij nhiều màu sắc.

Marrakesh

Càng đến gần và nhìn rõ hơn, tôi càng thán phục sự khéo léo và tỉ mẩn của những người thợ đã làm nên công trình này. Không chỉ trên tường mà cả mái vòm, cửa chính, cửa sổ, đâu đâu cũng thấy những hoạ tiết được chạm trổ hay sơn vẽ tinh tế trên thạch cao, men sứ và gỗ tuyết tùng. Tuy đã từ lâu không còn được sử dụng cho mục đích học thuật nữa nhưng không khí uyên bác đầy tôn nghiêm dường như vẫn còn hiện hữu nơi đây. Tôi cảm nhận điều này rõ nhất khi đi thăm các dãy nhà gồm hơn 100 phòng học nhỏ dành cho sinh viên, để cho trí tưởng tượng của mình quay ngược về nhiều thế kỉ trước với hình ảnh các sinh viên trong bộ áo chùng trắng, đang miệt mài ngồi đọc sách sau những ô cửa sổ nhỏ kia.

Bên cạnh Medersa Ben Youssef, bảo tàng Dar Si Said, cung điện Bahia, Saadian Tombs và bảo tàng Marrakech (Museum of Marrakesh) là một vài địa danh khác trong medina, nơi cũng có kiến trúc với những mảng chạm khắc đẹp tuyệt vời trên đủ mọi loại chất liệu mà chúng tôi rất ấn tượng. Nhưng nếu nói là ốc đảo thực sự theo nghĩa đen thì phải kể tới khu vườn Majorelle (Jardin Majorelle). Trái ngược hẳn với sự ồn ào náo nhiệt và những bức tường gạch đỏ khô rang dưới nắng gắt sa mạc bên ngoài, Majorelle Garden mang đến cho người ta cảm giác mát rượi ngay chỉ vừa khi bước chân qua cổng.  Jacques Majorelle và Yves Saint Laurent đã thực sự tặng cho Marrakesh một viên ngọc lục bảo khi mang về đây tới hơn 300 loài thực vật khác nhau từ năm châu lục, nhiều nhất có lẽ là các giống xương rồng, cọ và tre trúc. Cả khu vườn dường như được bao phủ trong rất nhiều sắc độ của hai thứ màu xanh: xanh lá mát rượi từ cây cối và xanh cô-ban đầy mê hoặc của các mảng tường nhà. Nổi bật trên nền xanh ấy là màu vàng tươi tắn từ các hoạ tiết trang trí và các bình hoa lớn đặt bên cửa sổ, cùng màu hồng đỏ của giàn hoa giấy đang trổ bông rực rỡ. Tất cả những màu sắc mạnh ấy đặt cạnh nhau, tạo ra sự tương phản đầy ấn tượng mà lại không hề có chút nào “đánh nhau” do đối lập. Gió mát rượi, lá cây rì rào trong gió, nước chảy róc rách dưới chân, và những giàn hoa giấy trổ bông rực rỡ trên nền tường xanh hút mắt không chỉ khiến bước chân mà cả tâm hồn của khách tới thăm như chậm lại, thư thả hơn, an nhàn hơn. Mọi lo lắng, vội vã dường như đã được để cả lại ở bên ngoài, chỉ còn lại một cảm giác thư thái và tĩnh tại để thưởng thức không khí trong lành và sự an nhiên nơi đây.

Marrakesh

Xanh cô-ban và xanh lá là hai màu chủ đạo trong khu vườn này

Marrakesh

Bên trong bảo tàng Marrakesh

Marrakesh

nơi có rất nhiều phần điêu khắc và trang trí Mosaic đẹp tuyệt 

Marrakesh

Một bảo tàng khác nằm trong Medina 

Marrakesh

cửa ra vào và cửa sổ được trang trí với rất nhiều hoạ tiết đẹp mắt

Marrakesh

trần nhà 

Marrakesh

một bức tường khác 

Marrakesh
Tajine, Chà là, thảo mộc và hơn thế nữa.

Nói về chuyện ăn uống, Tajine là món mà bạn có thể gọi trong bất kì nhà hàng nào tại Marrakesh, từ các nhà hàng sang trọng cao cấp cho tới các hàng quán bình dân khuất trong ngõ nhỏ. Là một kiểu món hầm thường được nấu trên than ở lửa nhỏ, cái tên Tajine được đặt dựa theo thứ đồ đựng cho loại món ăn này: một thố to làm bằng đất nung đi kèm một nắp đậy hình nón. Nhờ hình dạng đặc biệt mà đồ ăn trong Tajine luôn chín mềm rục ngấm gia vị rất thơm ngon mà không bị nát, bở hay bã.

Mấy ngày ở Ma-rốc tôi tranh thủ thử các loại Tajine khác nhau: cá sốt cà chua và rau củ, thịt gà hay thịt bò hầm với gia vị Ma-rốc (Moroccan spice) được pha trộn từ hạt mùi, tiêu, ớt, nghệ, hồi rang thơm và giã nhuyễn. Tất cả đều rất thú vị nhưng ngon và ấn tượng hơn cả là thố Tajine trong bữa tối cuối cùng ở Riad Noos Noos. Ba người chúng tôi được đầu bếp của Riad chiêu đãi món thịt cừu nấu cùng mận khô và hạt hạnh nhân trên cả tuyệt vời: Thịt đùi cừu đã được xử lí hết mùi hôi, hầm rất vừa phải để đủ mềm mà không bã, ăn cùng nước sốt mận khô và hạt hạnh nhân nướng giòn, dùng kèm vang đỏ Ma-rốc, nghĩ lại vẫn còn thấy nước miếng tứa ra.

Tajine thịt cừu với mận khô và hạt hạnh nhân nướng giòn thần thánh 

Marrakesh

Tajine thịt bò với ar-ti-sô và đậu Hà Lan 

Marrakesh

Đặc sản của Ma-rốc không chỉ có Tajine. Marrakesh là nơi thứ hai sau Athen (Hy Lạp) làm cho tôi mắt tròn mắt dẹt khi thấy cam chín lúc lỉu trên cây, rụng đầy mặt đất mà chẳng ai thèm rớ tới (tự nhiên thấy tội nghiệp cho quả cam gì đâu). Chưa có nơi nào tôi đi qua mà nước cam nguyên chất không pha trộn gì có giá 1 EUR (khoảng 24 nghìn đồng) như ở đây. Ngoài cam chanh, Marrakesh còn có chuối và cả đặc sản ô-liu căng mọng nữa. Nhưng quyến rũ du khách nhất chắc vẫn là các loại hoa quả khô, đặc biệt là quả chà là. Chà là ở đây to và “béo” hơn hẳn so với chà là ở châu Âu, quả nào quả nấy màu nâu mật căng bóng, cảm giác như cắn vào là sẽ ứa ra đầy mật ngọt. Nhờ những loại sản vật này mà mấy ngày ở Marrakesh tôi đều có một kiểu “nuông-chiều-bản-thân-chỉ-có-ở-Ma-rốc”. Đấy là sau một ngày đi lang thang, khi chân đã mỏi nhừ thì quay về khách sạn, thả mình trên chiếc ghế sofa êm ái của Riad, tận hưởng gió chiều mát lành, nghe lũ chim sẻ trêu nhau chí choách trên sân, nhấm nháp chà là ngọt lịm và thưởng thức trà bạc hà thơm mát, đặc sản Morroco.

một cửa hàng bán quả khô trên quảng trường Jemaa el-Fnaa

Marrakesh

trà bạc hà cũng là một thứ đặc sản của Ma-rốc, thường được đựng trong những chiếc bình bạc đi kèm theo bộ li nhỏ rất đẹp. Nghệ thuật thưởng trà bạc hà, ngoài việc chọn trà ngon thì còn phải rót làm sao để trên miệng cốc có sủi bọt to nữa :)

Marrakesh

Có lẽ bởi kinh tế chưa phát triển và điều kiện tự nhiên lại khắc nhiệt nên người Ma-rốc đặc biệt giỏi trong việc tận dụng các nguyên liệu tự nhiên để làm ra các thứ sản phẩm làm đẹp và chữa bệnh. Đi vào trong một cửa hàng chuyên bán các thứ sản vật kiểu này, tôi không khỏi hoa mắt trước cơ man chai lọ với đủ thứ nguyên liệu (mà theo tôi là hay ho cực kì): từ những loại chiết xuất hoa cỏ, cho tới các túi lá trà khô có nhiều tác dụng khác nhau với sức khoẻ, và cả những thứ nguyên liệu hết sức kì quái. Chẳng hạn như một loại hạt gì đó mà chỉ cần hít vào một cái là mũi từ tắc nghẹt thành “đường thông hè thoáng” (lúc ở Marrakesh tôi đang bị cảm cúm nhẹ nên có cơ hội thử loại hạt này, đúng là hiệu nghiệm không ngờ). Hay như một thứ tinh thể khác mà chỉ cần một mẩu rất rất nhỏ cũng giúp cho họng thoáng và bớt đau. Rồi vỏ ốc mài ra trộn trong hỗn hợp gì đó để tăng cường sức khoẻ, và cả dầu agan nguyên chất có thể chữa được bách bệnh nữa.

lọ trưng bày các loại thảo mộc và nguyên liệu làm thuốc, làm đẹp 

Marrakesh

Từ cửa hàng đi ra, “chiến lợi phẩm” của tôi là một túi đầy các loại trà, dầu Argan để trộn salad, tinh dầu hoa các loại, một túi nhỏ trầm hương thơm ngát cùng một cái ví tiền bị lủng một lỗ to tướng và một bịch đầy kinh nghiệm, rằng lần sau khi vào cửa hàng kiểu này cần phải giữ được đầu óc tỉnh táo và bản lĩnh vô cùng kiên cường. Nếu không chắc chắn sẽ sớm bị thu phục dưới tài nghệ quảng cáo và kĩ năng bán hàng siêu phàm của người bán cùng sự hay ho của các thứ nguyên liệu trong kia.

Mải mê với những con ngõ nhỏ trong lòng medina, với âm thanh rộn rã từ phố phường, với mùi cumin, mùi, nghệ tây cùng ớt len lỏi khắp các ngõ phố và những sắc màu đầy mê hoặc từ souk, chúng tôi gần như không để ý tới thời gian. Chỉ thấy mọi thứ trôi vèo qua, như chỉ trong một cái nháy mắt, thấm thoắt đã tới ngày về. Chuyến đi quá ngắn nên chúng tôi không kịp có trải nghiệm cưỡi lạc đà trên sa mạc, chưa kịp thử nhà tắm hamman với xà phòng đen truyền thống của người Berber, và cũng không kịp tới thăm thành phố với câu chuyện tình thơ mộng nổi tiếng trong bộ phim Casablanca. Nhưng không sao, bởi những điều ấy đã cho chúng tôi một lí do đầy thuyết phục để quay lại điểm đến thô ráp nhưng cũng cực kì đáng yêu này. Tạm biệt Marrakesh và hẹn gặp lại nhé, trong một ngày không xa!

7 phản hồi tới Du kí Marrakesh – Medina, Souk, Tajine và hơn thế nữa (Phần 2)

  1. Mytom
    Tháng Ba 1, 2016 vào 10:07 sáng #

    Cám ơn chị Trang vì đã giúp cho đứa không đi nhiều như em được mở mang tầm mắt <3
    Bài viết rất thú vị và em hi vọng sau này chị có thể khám phá thêm nhiều địa điểm nữa!

  2. Phạm Thị Hương
    Tháng Hai 23, 2016 vào 12:28 chiều #

    mình đã vô cùng bị cuốn hút bởi bài viết của bạn. Qua con mắt hóm hỉnh, háo hức, báo quát nhưng không kém tỉ mỉ của bạn, một thành phố đầy sức sống và vô vàn những điều mới lạ hiện ra sống động như mình đang xem một cuốn phim. Cảm ơn bạn. Cảm ơn những bải viết tràn đầy tình yêu cuộc sống, yêu quê hương của bạn. Mong chờ những bài tiếp theo!

  3. Quynh
    Tháng Hai 23, 2016 vào 11:42 sáng #

    Bạn Trang ơi, loại thảo mộc nào bạn hít vào mà giúp thông mũi khi đang bị nghẹt và giúp giảm đau họng vậy b? Nghe bạn kể mà mình tò mò quá :)

    • Linh Trang
      Tháng Hai 24, 2016 vào 5:30 sáng #

      Tên của cả 2 thứ này đều là tiếng Latin lạ hoắc nên mình không ghi lại, cũng không nhớ bạn ah. Loại hít nghẹt mũi có kích thước như hạt mùi, màu đen tuyền, khi dùng cho vào trong vải xô và vò cho ra mùi rồi hít, nó cay gần như mù tạt nên hiệu nghiệm lắm. Loại giảm đau họng thì như kiểu tinh thể màu trắng trong suốt, có vị gần giống bạc hà. Mình đoán cả 2 thứ chắc là đặc sản Morroco tại cũng chưa thấy ở chỗ khác bao giờ :)

  4. ngot ngao cai banh
    Tháng Hai 23, 2016 vào 9:49 sáng #

    thủng như vậy cũng thích mà, vì những thứ đó chắc gì đã mua được ở nơi khác, vậy nên có tỉnh táo chắc cũng tự nguyễn làm thủng túi thôi à, hihi. nhìn mấy sạp bán gia vị, trà, thảo mộc thấy mê mẩn quá em ơi

    • Linh Trang
      Tháng Hai 24, 2016 vào 5:31 sáng #

      hihi, đúng là vì nghĩ như thế nên mới cố “cắn răng” chị ah :D

  5. blak
    Tháng Hai 23, 2016 vào 4:55 sáng #

    Bạn Trang kể chuyện hay quá ,đọc mà giật cả mình :”… cái ví tiền bị lủng lổ to tướng ..”
    Cứ ngỡ bên ấy bạn bị móc túi chứ hihihi

Trả lời