Kẹo lạc Alpenliebe (Peanut brittle)

    • Nấu/Nướng
    • Độ khó

Mình làm thử món kẹo này phần vì tò mò, phần vì thấy cách làm của nó cũng đơn giản, nguyên liệu sẵn có mà lại không mất nhiều thời gian, chứ không hẳn vì thèm kẹo. Nhưng đến khi làm xong rồi, ăn thử thì thấy bất ngờ kinh khủng. Nếu bỏ phần lạc ra ngoài thì mùi vị của kẹo giống y xì như món kẹo cứng Alpenliebe mà trước đây mình đã từng rất rất thích: thơm, ngậy béo và không quá ngọt. Các bạn mình nếm thử cũng nói là giống (giá hồi xưa mà biết làm Alpenliebe dễ thế này thì đã tiết kiệm được bao nhiêu xiền mua kẹo rồi). Cũng vì lí do này mà mình đặt tên tiếng Việt cho món kẹo Peanut brittle này là “kẹo lạc Alpenliebe” :)

Kẹo giòn, ngọt thơm ngậy, thêm vị bùi của lạc, ăn rất vui miệng, là món “nhắm” cực hợp với trà nóng, lại có thể để lâu, nên mình nghĩ làm cho dịp Tết Nguyên Đán sắp tới chắc sẽ rất ổn :)

IMG_0093-1

* Dụng cụ: Khay chữ nhật kích thước khoảng 18 x 23 cm và giấy nến để lót khay

* Nguyên liệu

  • 150 g đường
  • 70 g nước
  • 1/8 thìa café (tsp) muối
  • ½ thìa café (tsp) tsp va-ni chiết xuất (không bắt buộc)
  • 20 g bơ nhạt (bơ động vật không muối, nếu có muối thì bỏ phần muối trong công thức)
  • ¼ thìa café (tsp) muối nở (bắt buộc phải có, không thay được bằng bột nở)
  • 120 g lạc rang chín, đã xát vỏ (có thể thêm vừng/ mè, hoặc thay bằng hạt điều, hạt óc chó… tùy thích)

Cách làm

1. Cho đường, nước, muối vào nồi. Quấy nhẹ cho đường tan bớt.

2. Đun ở lửa vừa – gần to. Hỗn hợp sẽ chuyển sôi và sủi bọt, đồng thời nước bay hơi từ từ.

IMG_8068

Dần dần, hỗn hợp sẽ chuyển màu vàng nhạt….

IMG_8069

…rồi vàng đậm hơn, nhưng chưa đến mức vàng nâu cánh gián như caramel để làm bánh flan.

IMG_8070

3. Ngay khi đường chuyển vàng đậm thì tắt bếp, nhanh tay cho các nguyên liệu còn lại vào, quấy đều. Hỗn hợp sẽ chuyển sang dạng sệt và dẻo, có màu hơi vàng nâu. Khi cho muối nở vào hỗn hợp sẽ hơi sủi bọt nhưng bọt khí này sẽ biến mất nhanh. Lưu ý: kẹo khi này rất nóng, cần cẩn thận nếu muốn nếm thử, kẻo dễ bị bỏng nhé.

IMG_8072

4. Đổ kẹo vào khuôn, dùng thìa dàn đều. Khi đổ cần cẩn thận vì kẹo rất nóng, tránh để dây lên tay có thể sẽ gây bỏng.

IMG_8073

Để kẹo bớt nóng. Khi kẹo còn ấm thì dùng dao sắc cắt làm nhiều thanh nhỏ (cắt kẹo khi còn đang ấm sẽ dễ hơn nhiều). Để nguội hoàn toàn rồi bỏ kẹo vào lọ kín, đậy chặt nắp, dùng trong 2 – 3 tuần. Hoặc các bạn cũng có thể đợi cho kẹo nguội hoàn toàn và cứng lại rồi bẻ thành nhiều mảnh nhỏ theo đúng kiểu của peanut brittle.

IMG_0087

* Ghi chú:

1. Khi đổ kẹo ra khỏi nồi, vì nhiệt độ hạ thấp đột ngột nên kẹo sẽ đông rất nhanh. Nếu khuôn nóng thì sẽ giữ được kẹo ở dạng lỏng lâu hơn, giúp cho việc dàn đều kẹo ra được dễ dàng hơn. Do đó, nếu nhà có lò nướng, các bạn có thể bật lò khoảng 100 độ C rồi cho khuôn vào làm nóng (lưu ý dùng loại khuôn chịu nhiệt được nhé). Còn nếu không có thì cố gắng thao tác nhanh tay ở bước này.

2. Nên chuẩn bị một chậu nước nóng để ngâm nồi và dụng cụ làm kẹo vào ngay khi làm xong. Cách này sẽ giúp tránh cho kẹo còn sót và đông cứng lại trên thành và đáy nồi, sẽ khó hoặc mất nhiều thời gian để rửa sạch.

3. Trong quá trình đun đường không cần quấy. Thi thoảng nên dùng chổi silicon hoặc thìa để quét các hạt đường bám ở thành nồi cho đường này rơi xuống dưới.

Ngay khi đường chuyển màu vàng hơi sậm là cần phải cho các nguyên liệu vào ngay (để lâu hơn, đường cháy nhiều kẹo sẽ dễ bị đắng). Vì vậy nên mình thường chuẩn bị các nguyên liệu sẵn sàng khi đợi đun đường, đặt ngay cạnh nồi. Khi đường vừa đạt là có thể đổ vào luôn.

Làm cách này kẹo sẽ có màu vàng tươi. Nếu các bạn muốn kẹo có màu vàng sậm hơn thì có thể thay một phần đường trắng bằng đường vàng hoặc đường nâu.

4. Ngoài lạc, các bạn có thể dùng các loại hạt khác tùy thích như vừng, hạt điều, hạt dẻ cười… mình nghĩ cũng sẽ rất ngon.