Một vài chia sẻ trong chụp ảnh đồ ăn – Phần 3: Bố cục và góc chụp

Cỡ chữ

Phần 1: Một vài chú ý cơ bản (đặc biệt với đồ ăn & lựa chọn đồ đựng)

Phần 2: Nền và các vật dụng trang trí (Background & Props)

Lâu quá rồi mới lại viết được bài mới cho chuỗi bài về food photography này. Thật ra đây là phần mà mình cảm thấy rất rất khó viết. Bởi vì nếu có ai đấy hỏi mình là mình sắp đặt bố cục và chọn góc chụp cho ảnh đồ ăn của mình thế nào thì mình nghĩ câu trả lời đúng và đủ nhất sẽ là “làm sao cho vừa mắt” :P Cái “làm sao cho vừa mắt” này nó thuộc về cảm giác nhiều hơn là lý trí, cho nên để chụp ảnh thì đơn giản, nhưng để giải thích trên mặt giấy thì quả thật là khó khăn.

Cho nên phần này – mặc dù chưa viết – nhưng mình nghĩ là chắc sẽ không được cô đọng và mạch lạc cho lắm, bởi vì có lẽ nó sẽ chủ yếu là các mẹo & chú ý nhỏ mà mình rút ra trong quá trình chụp ảnh của mình. Thôi thì cứ viết ra hết, hi vọng là nếu một lúc nào đấy mọi người gặp phải tình huống tương tự thì kinh nghiệm của mình sẽ có ích được phần nào. Ngoài ra, tuy là so với thời điểm viết bài đầu tiên của chuỗi bài về Food photography thì mình đã có một khoảng thời gian kha khá để thực hành, nhưng tóm lại thì vẫn đang là amateur thôi, cho nên những sự diễn đạt của mình có thể sẽ không được chuyên nghiệp lắm, mong là bạn nào chụp ảnh nhiều rồi đọc phần này sẽ không cười :P

Ảnh minh họa lấy từ www.tolearnphotography.com

Quay về chủ đề chính, mình có cảm giác là bố cục, góc chụp và ánh sáng là ba thứ luôn đi liền với nhau, nhưng có lẽ bố cục và góc chụp gắn với nhau nhiều hơn. Với cùng một cách sắp đặt, chỉ cần thay đổi góc chụp một chút thôi có lẽ cũng sẽ ra một bức ảnh hoàn toàn khác. Hoặc ngược lại, cách sắp đặt đồ ăn và props (các đồ vật khác ngoài đồ ăn – dùng để trang trí thêm cho bức ảnh) sẽ cần phải thay đổi để phù hợp với một góc chụp nhất định nào đấy…. Kiểu kiểu như vậy.

Thời gian vừa rồi mình có đọc một số quyển sách dạy về nghệ thuật chụp ảnh đồ ăn (food photography) và nghệ thuật sắp xếp và bài trí đồ ăn (food styling). Không chỉ tích lũy được thêm kha khá kiến thức hay ho mà còn có một điều thú vị nữa khi đọc những quyển sách này là biết được những nhiếp ảnh gia và những người làm công việc trang trí đồ ăn chuyên nghiệp họ thực hiện công việc như thế nào :) Ví dụ như ở trong sách dạy food stylist có nói rằng góc chụp sẽ quyết định food styling (việc sắp đặt và trang trí đồ ăn – xin lỗi mọi người vì dịch sang tiếng Việt khá dài dòng nên mình sẽ sử dụng tiếng Anh cho từ này và một vài từ chuyên môn khác trong cả bài nhé). Người food stylist sẽ phải nhìn từ con mắt của camera để sắp đặt và style sao cho phù hợp với góc chụp ấy. Điều này khác với amateur photographer nhỉ? :D Không biết các bạn khác thế nào nhưng bản thân mình đôi khi vẫn phải thử nhiều góc khác nhau trong lúc chụp để chọn ra góc đẹp nhất. Nhưng chắc chính vì như thế này nên mãi vẫn chỉ là amateur – vì thay đổi góc cũng đồng nghĩa với việc phải sắp xếp và dịch chuyển lại các thứ đồ ăn & props mà => mất thời gian hơn, mệt hơn.

Ảnh minh họa lấy từ www.digital-photography-school.com

Với chuyện chọn góc, chắc là sẽ có hai yếu tố chính (theo quan điểm của mình) là khoảng cách giữa đồ vật & camera, cụ thể hơn là chụp xa hay gần (hiểu đơn giản là như vậy nha, còn mình không đề cập sâu hơn đến các yếu tố kĩ thuật liên quan đến máy ảnh và lens đâu), và thứ hai là góc chụp từ camera so với vật (ngang, chếch, từ trên xuống…).

Trước hết với việc chụp gần hay chụp xa. Cái này không có quy tắc gì cả, bởi vì nó phụ thuộc một phần lớn vào đồ ăn và một phần lớn khác vào quan điểm của người chụp. Chẳng hạn mình thường hay chụp gần vì một vài lí do như là máy ảnh và lens có hơi hạn chế cho việc chụp xa, và quan trọng hơn là mình cảm thấy chụp gần thường làm cho đồ ăn hấp dẫn hơn. Riêng về điểm thứ hai thì trong sách dạy food styling cũng có nhắc đến, là các khoảng cách gần sẽ giúp cho đồ ăn trong bức ảnh trông rõ ràng và dễ gây thèm muốn hơn ;) Nhưng cũng chính vì điều này mà yêu cầu đầu tiên cho các đồ ăn được chụp gần là phải ĐẸP và HẤP DẪN. Chẳng hạn như nếu là salad thì trông phải tươi mới, màu sắc sang sủa, bánh quy loại giòn thì nhất thiết không được trông giống như là đã để cả ngày ở ngoài trời nên mềm ỉu oặt ẹo. Đại loại vậy.

Ngoài ra, chụp gần còn một điểm nữa nên lưu ý (và cái này có liên quan đến vấn đề bố cục) là tuy chụp gần nhưng trông bức ảnh vẫn cần phải hài hòa. “Hài hòa” ở đây có nghĩa là nhìn vào bức ảnh không thấy có cảm giác bức bối, chật hẹp hay ngột ngạt vì đồ ăn quá to, choán hết cả khung ảnh. Mình nghĩ khó khăn này có lẽ các bạn dùng máy PnS sẽ hay gặp phải hơn, do chế độ Macro của PnS rất hạn chế nên thường nếu muốn “tạo nền mờ” thì sẽ hay phải dí sát máy vào vật mẫu. Và một trong những hậu quả là như trên, hoặc đôi khi tệ hơn là nhìn ảnh không hiểu là món gì vì chụp quá gần. Để khắc phục việc này thì mình nghĩ là khi chụp có lẽ nên để ý hơn một chút đến các khoảng không gian khác trong ảnh bên ngoài “mẫu” chính là đồ ăn. Làm sao cho các khoảng không gian này với phần đồ ăn chính không bị quá lệch nhau (một cái quá to, một cái quá nhỏ). Ngoài ra việc chỉ dọn một phần nhỏ đồ ăn lên đĩa hay bát để chụp cũng có thể giúp hạn chế việc đồ ăn choán cả bức ảnh.

Cách khắc phục dễ hơn cả là kéo máy ra xa, chụp từ xa :D Nhưng cách này cũng có khó khăn là bức hình sắp đặt và trang trí phải tốt, đặc biệt là sử dụng props phải hài hòa, để tránh gây rối mắt (do sử dụng quá nhiều props hoặc props không phù hợp về màu sắc, hình khối…). Ngoài ra, một hạn chế nữa là khó tập trung được vào chi tiết của đồ ăn, và đôi khi, một vài chi tiết khác trong bức ảnh có thể gây sự chú ý và tập trung nhiều hơn cả đồ ăn chính. Túm lại là nếu muốn chụp xa thì nên đặc biệt lưu ý đến vấn đề food styling nhé.

Về hướng máy thì mình không có nhiều điều để viết lắm vì cái này đúng là phụ thuộc vào “mẫu” và ánh sáng rất nhiều. Chẳng hạn như với các mẫu có độ cao nhất định như các loại bánh gateaux có nhiều lớp, một chồng bánh quy, hoặc các loại sandwich có kẹp nhiều thứ bên trong… thì góc chụp ngang (máy và mẫu nằm trên một đường thắng) cho đến hơi chếch một chút (khoảng 10-20 độ như trong hình dưới) có lẽ sẽ là phù hợp hơn nhiều so với chụp từ trên xuống. Nhưng những dạng đồ ăn “bằng phẳng” kiểu như là mỳ trên đĩa hoặc canh trong bát thì không nên chụp theo góc ngang vì nhiều khả năng sẽ không thấy đồ ăn đâu, và với trường hợp của cái đĩa thì sẽ làm cho ảnh có cảm giác bằng phẳng. Tổng kết lại có lẽ là nếu đồ ăn có nhiều hoặc một vài chi tiết đáng chú ý nào ở phần cạnh bên thì các góc chụp ngang và chếch sẽ tạo điều kiện làm nổi bật các chi tiết này hơn, còn nếu bản thân đồ ăn không có gì đặc biệt thì chụp từ trên cao xuống sẽ tận dụng được lợi thế của việc sắp đặt.

Các góc chụp thông thường. Ảnh minh họa lấy từ http://janderson99.hubpages.com

Đấy là về góc chụp, còn bố cục của bức ảnh thì cũng có một phần khá quan trọng mình đã nói ở phần trên trong đoạn về chụp xa hay gần rồi. Ngoài việc lưu ý đến chuyện “mẫu quá to hay quá nhỏ” trong toàn bộ ảnh, có lẽ một điểm khác cũng nên để ý là sự cân đối của bức ảnh. Điểm đầu tiên giúp tạo nên sự cân đối cho một bức ảnh có lẽ là “rule-of-thirds”. Đây là một quy luật rất rất phổ biến (gần như là cơ bản) trong nhiếp ảnh, các bạn có thể xem cụ thể tại ĐÂY. Quy luật này rất có ích nhưng nói thật là không phải lúc nào mình cũng dùng, tùy thôi :D Có điều biết nó thì tốt, sẽ tránh được việc mẫu quá lệch sang một bên. Điểm thứ hai cũng có thể góp phần tạo ra sự cân đối của bức ảnh là kích thước và chiều cao của các loại props (chẳng hạn sử dụng các loại đồ vật có chiều cao khác nhau, ví dụ nếu mẫu chính là đĩa bánh thì đặt thêm chai sữa hoặc ly nước…). Ngoài ra, cũng nên chú ý đến khoảng cách giữa các loại đồ đựng hay props nói chung vì đôi khi các đồ vật quá gần nhau cũng có thể gây cho bức ảnh cảm giác chật hẹp, hoặc quá xa thì tạo cảm giác trống trải.

Một ví dụ cho bức ảnh theo rule of thirds. Ảnh minh họa lấy từ www.cheftalk.com 

Những điều mình muốn chia sẻ và rút kinh nhiệm về góc chụp và bố cục có lẽ chỉ như vậy thôi. Kết luận cuối cùng có lẽ vẫn là mẹo mực và lời khuyên thì có rất nhiều, nhưng cái chính vẫn là bản thân mình. Với chụp ảnh luyện tập là việc rất quan trọng. Và riêng với chuyện chọn góc hay bố cục thì mình nghĩ luyện tập nhiều sẽ giúp rèn luyện được “cảm giác” tốt hơn trong việc nhìn nhận về bố cục và góc chụp. Và trong quá trình luyện tập nên cố gắng linh hoạt trong cách lựa chọn góc và sắp đặt đồ ăn, props cho bức ảnh, đừng để bị giới hạn trong một hoặc một vài góc chụp hay cách sắp đặt đồ ăn quen thuộc. Đôi khi một sự thay đổi sẽ mang lại nhiều thứ mới lạ hơn mong đợi đấy ;)

Bài tiếp theo mình sẽ chia sẻ về ánh sáng và thêm một chút về food styling nhé.

15 phản hồi tới Một vài chia sẻ trong chụp ảnh đồ ăn – Phần 3: Bố cục và góc chụp

  1. Maruchan
    Tháng Một 8, 2014 vào 12:13 sáng #

    Chị ơi, ngóng mãi mà không thấy bài về ánh sáng và food styling chị nhỉ? Hay tại mục lục chưa update ạ?^^

  2. Linh Đu Quay
    Tháng Tư 12, 2013 vào 6:54 sáng #

    nhìn ảnh đồ ăn chị chụp hấp dẫn quá :D em không có máy cơ, có mỗi con Kodak để chụp, màu thì đẹp nhưng mà nhiều khi không nét cả lại bị đổi màu, ví dụ khi lấy nét là màu trắng, chụp lên lại hơi vàng chị ạ :( buồn quá

  3. Thu hà
    Tháng Tư 1, 2013 vào 9:53 sáng #

    E thật hâm mộ chị quá. Em cũng đang chuẩn bị bắt tay váo làm bánh theo chị đây, mà cũng muốn chụp lại ảnh làm kỉ niệm, chị đang dùng máy ảnh loại nào để chụp vì em thấy máy ảnh thường không chụp đc đẹp như chị?

    • Linh Trang
      Tháng Tư 2, 2013 vào 11:29 sáng #

      Chị dùng Canon 550D + lens 50mm f/1.8 em ah. Chụp ảnh một phần khá quan trọng là luyện tập nhiều chứ không hẳn là vì máy ảnh đâu, chúc em sẽ soems có nhiều bức ảnh đẹp như ý muốn nhé :)

  4. Nguyễn Minh Đức
    Tháng Ba 26, 2013 vào 8:31 sáng #

    Hihi, cảm ơn em nhé.
    Sự thật là tay anh hay run, vì đang chớm bị bệnh basedow em afh (anh mới đi khám). Chắc sẽ phải dùng chân máy.

    Cảm ơn em đã góp ý chân tình. Ảnh thứ 2 bài trí hơi xấu một tẹo nhỉ.
    Em đã về tới HN rồi, chúc em những ngày ở VN thật đẹp nhé, HN mùa này cũng rất đẹp, nhưng năm nay có vẻ hơi nóng.
    Anh Đức

    • Linh Trang
      Tháng Ba 27, 2013 vào 5:34 sáng #

      Em cảm ơn anh. Đúng là thời tiết HN đợt vửa rồi tệ quá, nhưng hôm nay lại mát mẻ rồi ạ. Khi chụp nếu cầm máy bằng tay thì anh thử ép chặt cánh tay giữ máy vào thân người, nó sẽ giúp mình giữ máy chắc hơn đấy ạ :) Em hồi xưa cũng bị run tay nhưng nhờ chụp ảnh nhiều nên có vẻ nó lại đỡ, hihi, ảnh thử xem sao ạ.

  5. Nguyễn Minh Đức
    Tháng Ba 9, 2013 vào 5:31 chiều #

    Hi Trang,
    Nay anh chụp tấm hình này.
    Tình trạng là anh bỏ rau ra thì nhìn có vẻ thoáng hơn, còn cho salad vào, chắc do sắp đặt sai nên nhìn xấu quá.
    [IMG]http://i1289.photobucket.com/albums/b501/bancongxanh/DSC_0469_zpse982b0f0.jpg[/IMG]
    Link trực tiếp http://i1289.photobucket.com/albums/b501/bancongxanh/DSC_0469_zpse982b0f0.jpg

    Còn cho rau vào:
    [IMG]http://i1289.photobucket.com/albums/b501/bancongxanh/DSC_0475_zpsb2f9565a.jpg[/IMG]

    Link trực tiếp http://i1289.photobucket.com/albums/b501/bancongxanh/DSC_0475_zpsb2f9565a.jpg

    Chia sẻ poses đầu tiên cùng em.

    • Linh Trang
      Tháng Ba 11, 2013 vào 4:53 chiều #

      Hình thứ 2 em thích hơn hình đầu tiên ạ, bởi vì hình đầu tiên lúc chụp anh hơi run tay thì phải :)
      Hình thứ 2 em nghĩ khá ổn ạ. Nhưng nếu để quảng cáo cho website thì em nghĩ anh tập trung nhiều vào nem hơn một chút, sẽ làm cho bức ảnh hấp dẫn hơn. Như tấm ảnh này thì em thấy phần phía trên hơi “rộng” một chút. Anh cũng có thể nâng cao góc máy thêm một chút, nem sẽ rõ hơn ạ. Chúc mừng anh đã chính thức bước vào con đường food photography :)

  6. thuydung
    Tháng Sáu 22, 2012 vào 2:43 chiều #

    Chị ơi chị có sử dụng thêm len rời nào để chụp ảnh nữa không ạ? Em chỉ dùng len kit 18-55mm kèm theo máy thôi, mà thấy không ưng ý lắm, chắc do em chụp còn non quá :P

  7. Lavender
    Tháng Mười Một 25, 2011 vào 4:02 chiều #

    máy t mua cũng dc 1 tjan khá lâu rồi nên cũng ko thể bằng dc các máy ảnh hiện tại :D t chỉ cố gắng hiểu máy của m nhất có thể thôi :(

  8. Lavender
    Tháng Mười Một 25, 2011 vào 6:22 sáng #

    tớ vẫn hay đọc mấy cái hướng dẫn với tips của mng :( nhưng đúng như ấy nói, PnS chup rất hạn chế, nên nhiều khi những cái tips này cũng khó mà áp dụng dc. Thực sự thì t cũng cố chụp xa nhất có thể nhưng mà đồ ăn các thứ hầu như ko có nét, tổng thể cứ mờ mờ ảo ảo ấy :(

    • Linh Trang
      Tháng Mười Một 25, 2011 vào 6:56 sáng #

      Ảnh của ấy tớ thấy đẹp mà ;) vụ chụp xa không có nét thì ấy thử kiểm tra lại xem vì máy PnS là máy mà chụp xa thì tất cả đều nét ý :D tức là không có điểm nhấn, không có nền mờ như các máy lens rời.

  9. Vân
    Tháng Mười Một 21, 2011 vào 10:54 sáng #

    Cảm ơn em Trang, nhờ có các phần chia sẻ của em mà chị “vỡ vạc” ra nhiều điều lắm lắm. Quan trọng hơn là em đã tận tình động viên, làm cho chị tự tin hơn trong việc chụp ảnh món ăn. Tất nhiên lý thuyết là lý thuyết, còn sản phẩm thì lại phụ thuộc vào mỗi người. Hi hi, cái này chắc có hạn, chị vẫn đang cố gắng mà chưa đi đến đâu em ạ. Một lần nữa, cảm ơn em nhé.

    • Linh Trang
      Tháng Mười Một 21, 2011 vào 1:48 chiều #

      ^^ có công mài sắt có ngày nên kim chị ơi, để bao giờ em “show hàng” ảnh cũ hồi mới tập chụp của em :D tuần mới vui vẻ & nhiều món ngon + ảnh đẹp nha chị ;)

Trả lời