[VIDEO] Bánh mì sữa Nhật Bản

    • Chuẩn bị
    • Nấu/Nướng
    • Khẩu phần
    • 2 ổ dài 20 cm
    • Độ khó

“Siu phẩm” thứ hai dành cho cuối tuần này sau món Hotdog phô-mai ngày hôm qua đây ah, và món này thực sự là siêu phẩm theo đúng nghĩa đấy ạ. SD đã có khá nhiều công thức bánh mì ngon rồi, nên việc tìm ra một công thức mới ngon hơn nữa không phải là điều đơn giản. Nhưng món bánh này đã chinh phục tụi mình ngay từ lần đầu tiên làm thử, là kiểu bánh mà nếm miếng đầu tiên đã phải thốt lên “Wow!” rồi ấy :) Kiểu thơm ngon và mềm của bánh rất rất riêng và không hề giống với kiểu thơm ngon của bất kì loại bánh nào mình đã từng giới thiệu trước đây, kể cả các loại bánh đỉnh cao như bánh mì hoa cúc hay bánh mì sữa Hokkaido, tóm lại là cực kì đặc biệt và rất rất nên thử :)

Công thức này là mình học được từ một trang chia sẻ công thức của Nhật, trong quá trình thử thì chỉnh sửa lại cho hợp với điều kiện ở Việt Nam. Khi ở Nhật mình nhớ các loại bánh mì trắng bên đó cũng có kiểu kết cấu mềm xốp thế này nên đặt tên là “bánh mì sữa Nhật Bản” :) Thật ra gọi là bánh mì sữa đặc chắc chuẩn hơn do mình nghĩ hương vị thơm ngon của bánh phần lớn được tạo ra bởi nguyên liệu là sữa đặc. Kì lạ là lượng sữa đặc tuy khá nhiều nhưng bánh không hề ngọt chút nào, ruột rất trắng và rất xốp nữa. Vẫn như mọi khi, mình dùng sữa đặc Cô Gái Hà Lan để làm bánh. Sữa CGHL ít ngọt hơn và cũng có vị kem béo đậm đà hơn các loại sữa đặc khác. Nên nếu các bạn dùng sữa khác để làm bánh thì chắc sẽ cần điều chỉnh lượng nguyên liệu một chút cho phù hợp nhé.

Cách làm BÁNH MÌ SỮA NHẬT BẢN 

Dụng cụ: 2 khuôn loaf hoặc khuôn bánh mì gối dài 20 cm

Nguyên liệu

* Phần bột A

  • 280 gram bột mì số 13 (bột làm bánh mì)
  • 3 gram (1 teaspoon) men nở instant (instant yeast, ở VN dùng men nhãn vàng)
  • 170 – 180 gram nước

* Phần bột B

  • 140 gram bột mì số 13 (bột làm bánh mì)
  • 30 gram đường bột (bạn nào thích ăn ngọt nhiêu thì tăng lên 50 gram nhé) 
  • 2 gram (½ tsp cafe) muối
  • 1.5 gram (½ tsp) men nở
  • 80 gram sữa đặc Cô gái Hà Lan (đọc lưu ý phía trên, nếu bạn dùng loại khác) 
  • 30 gram bơ nhạt đun chảy 
  • 1 quả trứng (60 – 65 gram cả vỏ) 

Cách làm

Video cách làm món ăn này đã được đăng tại kênh YouTube của Savoury Days. Nếu không xem được tại website thì các bạn có thể xem trực tiếp trên YouTube theo link này nhé. Video có chế độ HD, hướng dẫn cách bật HD ở cuối bài viết cách làm bánh flan này. 

* Phần bột A

1. Trộn đều bột mì với men nở.

2. Đổ nước vào trộn đến khi bột thành một khối, bọc kín âu bột. Ủ bột ở nơi kín gió trong khoảng 1 – 1.5 giờ đến khi bột nở gấp đôi. Nên cho 170 ml nước vào trộn thử, nếu thấy quá khô mới cho thêm 5 – 10 ml nước nữa. Không nên cho quá nhiều sẽ làm cho bột dễ bị nhão về sau. 

* Phần bột B

1. Sau khi phần bột A đã nở gấp đôi, ấn xẹp hết bọt khí trong bột. Cho phần bột này vào âu lớn. Rây bột mì, muối, đường bột của (B) vào trộn đều. Tiếp tục cho men nở vào trộn đều.

2. Cho sữa đặc, bơ chảy, trứng vào âu, trộn đều đến khi được khối bột hòa quyện. Đậy kín mặt âu và để bột nghỉ trong khoảng 15 – 20 phút (đoạn này không có trong video, là thao tác không bắt buộc nhưng nếu có thì nhồi tay sẽ dễ dàng hơn). 

3. Nhào bột:

– Nhào bột bằng tay: Đổ bột ra mặt bàn đã phủ một lớp bột áo mỏng, nhào bột trong khoảng 15 – 20 phút đến khi có khối một dẻo mịn, đàn hồi, không dính tay, khi kéo màng mỏng không bị rách (window pane test)

Cụ thể về kĩ thuật nhào bột, đập bột và thử bột đạt được thể hiện chi tiết trong video. 

– Nhào bột bằng máy: Cho toàn bộ phần bột vào máy trộn. Chạy máy ở tốc độ thấp nhất cho tới khi bột hòa quyện thành một khối thì tăng lên tốc độ vừa, nhồi khi khối bột dẻo mịn, đàn hồi, ấn thử vào khối bột sẽ thấy vết lõm phồng trở lại. Lưu ý tránh nhồi quá nhiều sẽ làm hỏng sợi Gluten.

4. Ủ bột (lần 1): Dùng một chiếc âu hoặc bát to, quét 1 lớp dầu ăn mỏng lên đáy và thành âu. Cho khối bột vào âu, lật mặt khối bột để dầu ăn bao đều quanh cả khối bột. Dùng khăn ẩm hoặc nilon bọc kín âu. Ủ bột ở nhiệt độ phòng (25 – 32 độ C) đến khi bột nở gấp đôi.

Ghi chú: Không có thời gian ủ cố định vì tùy theo nhiệt độ ủ mà bột có thể nở nhanh hay chậm. “Bột nở lớn gấp đôi” là căn cứ tốt nhất. Ngoài ra, các bạn có thể kiểm tra bột ủ đạt bằng cách dùng 2 ngón tay cắm vào khối bột, sâu khoảng 1-2cm, nếu vết lõm giữ nguyên là bột đã ủ đủ, nếu vết lõm phồng trở lại thì cần phải ủ thêm.

5. Tạo hình: Sau khi bột đã nở gấp đôi thì dùng mu bàn tay để “đấm” nhẹ hay ép nhẹ cho khí trong khối bột thoát ra ngoài. Lấy bột ra, nhào bằng tay lại sơ qua trong khoảng 1-2 phút.

– Chia khối bột ra thành 6 phần, mỗi phần nặng khoảng 120 – 130 gram. Tạo hình bánh mì gối theo hướng dẫn trong video. Hoặc có thể chỉ cần vê bột tròn, có mặt mịn rồi đặt vào khuôn cũng được. Ngoài khuôn loaf bạn có thể tạo hình thành bất kì hình dạng khác tùy thích.

6. Ủ bột lần 2: Phủ khăn che mặt khuôn để bột bánh không bị khô. Ủ bột ở nơi ấm áp & ẩm, đến khi bột nở gấp đôi. Thời gian ủ lần 2 sẽ chỉ bằng khoảng 2/3 thời gian ủ bột lần 1, không nên để quá lâu, banh sẽ dễ có mùi chua. 

Làm nóng lò trước khi nướng bánh ở 15 phút, nhiệt độ 180 độ C (hai lửa). 

9. Nướng bánh ở 175 – 180 độ C trong khoảng 20 phút, đến khi bánh chín vàng mặt. Nếu mặt bánh vàng sớm thì có thể dùng giấy bạc che cho mặt bánh khỏi bị cháy. Không nên nướng ở nhiệt độ thấp hơn vì có thể sẽ làm cho vỏ bánh bị dày. 

* Lưu ý: thời gian và nhiệt độ nướng có thể thay đổi theo lò. Thường thì nhiệt nướng bánh mì ngọt mềm luôn ở khoảng 175 – 180 độ C, nhưng thời gian sẽ thay đổi tuỳ vào chế độ lò và loại lò. Nếu dùng chế độ quạt, sẽ cần hạ nhiệt xuống khoảng 10 – 15 độ C và thời gian nướng có thể ngắn hơn do nhiệt trong lò khi có quạt thươngf cao hơn.