[VIDEO] Cách làm bánh dẻo lạnh Singapore (kèm mini game và quà tặng)

    • Chuẩn bị
    • Khẩu phần
    • 12 - 14 bánh 50 g
    • Độ khó

* THÔNG BÁO: Post này kèm theo MINI GAME với QUÀ TẶNG là 1 KG SỐT TRÀ XANH (trị giá 1.5 triệu VND) và 3 GÓI BỘT TRÀ XANH mỗi gói 100 g (180.000 VND/ gói), xuất xứ Nhật Bản. Mini game tổ chức tại Facebook của Savoury days từ 22.8 đến hết 28.8.2016. Các bạn xem thêm thông tin tại đường link này nhé. 

——————-

Nếu so bánh nướng với bánh dẻo, hỏi thích cái nào hơn, thì hồi xưa chắc chắn mình sẽ trả lời ngay là bánh dẻo, và chỉ là bánh dẻo chay thôi, vì các thứ bánh nướng bánh dẻo còn lại đều tệ quá. Nhưng giờ thì chắc sẽ phải nghĩ câu trả lời khá lâu đấy. Lý do là mọi thứ giờ đều “tự trồng” rồi, nguyên liệu lựa chọn thứ ngon nhất, mà khẩu vị cũng được điều chỉnh theo ý mình, thành ra bánh nướng hay dẻo, cứ làm ra là hết. Mà với bánh dẻo thậm chí còn có mấy loại vỏ bánh khác nhau để thay đổi nữa, nên càng khó trả lời.

Nhưng so với bánh nướng thì làm bánh dẻo chắc chắn là nhanh và đơn giản hơn nhiều rồi. Không cần phải nấu nướng đường trước cả tháng, không cần phải nướng và quét trứng mấy lần. Chỉ nhào nhào trộn trộn, “thoáng một cái” là có mẻ bánh mềm mịn, dẻo thơm để cúng tổ tiên, mời ông bà bố mẹ hay nhâm nhi bên tách trà sen thơm ngát rồi.

Hai mùa trung thu trước mình có giới thiệu hai cách làm bánh dẻo là Cách làm bánh dẻo truyền thốngcách làm bánh dẻo lạnh, ít ngọt, “kiểu Savoury Days” (mình điều chỉnh từ công thức bánh dẻo lạnh Singapore theo hướng không dùng shortening). Trong bài hôm nay mình sẽ đóng góp thêm vào bộ sưu tập các loại bánh dẻo một công thức nữa, là cách làm bánh dẻo lạnh đúng kiểu Singapore. Công thức này có sử dụng shortening, là một loại chất béo thực vật, ở Việt Nam còn gọi là mỡ trừu. Ở nước ngoài, các bạn có thể mua shortening qua Amazon, Ebay hoặc các cửa hàng bán nguyên liệu làm bánh. Còn tại Việt Nam thì các bạn tìm Google: “bán mỡ trừu shortening” nhé. Mình không biết rõ địa chỉ cụ thể nhưng chắc chắn là có và nhiều cửa hàng có cả dịch vụ chuyển hàng toàn quốc, nên dù ở các thành phố ngoài Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh cũng có thể mua được.

Vỏ bánh dẻo kiểu này làm rất nhanh, nhanh nhất trong số các công thức bánh dẻo mình đã thử, và cũng rất ngon. Bánh để lạnh và có thể dùng ngay sau khi đóng bánh khoảng 2 giờ. Vỏ mềm dẻo, hơi dai dai nhưng không chắc như bánh dẻo truyền thống mà nghiêng về hướng giống mochi hơn. Nhược điểm duy nhất của món bánh dẻo lạnh này là phải bảo quản lạnh và cần dùng sớm. Bánh của mình để tới ngày thứ 4 là vỏ bắt đầu cứng và bở. NHƯNG, nếu để ngăn đá rồi rã đông thì thấy không vấn đề gì, mà đồ đông lạnh thì thường sẽ để được khá lâu, đến cả tháng.

 cách làm bánh dẻo lạnh how to make snowskin mooncake recipe

Trong công thức ngày hôm nay, ngoài vỏ bánh dẻo ra thì có hai thứ khác mình cũng muốn chia sẻ với các bạn. Thứ nhất là phần nhân bánh. Tuy chỉ là nhân đậu xanh thôi, nhưng mình có chỉnh lại cách làm một chút để nhân mềm và dẻo, có thể để lạnh 2 – 3 ngày mà không bị khô và bở. Thứ hai là sốt trà xanh – một sản phẩm mình mới khám phá ra trong thời gian gần đây và rất thích. Bột trà xanh trước giờ mình vẫn dùng loại của Nhật, về mùi vị và màu sắc đều không có gì để chê. Nhưng khi cần pha với chất lỏng cho các món tráng miệng lạnh, hay thậm chí cả khi trộn với bột để dùng làm bánh bông lan chẳng hạn, nếu không khéo thì bột có thể sẽ không tan hết, còn đọng lại ở đáy hoặc tạo thành các chấm li ti trên bánh, nhìn không được đẹp, thậm chí khi ăn có thể nếm thấy vị bột.

Loại sốt trà xanh này  mình mới được giới thiệu để dùng thử trong thời gian gần đây. Mới đầu cũng hơi nghi ngờ và cũng lười thay đổi, nhưng tới khi dùng thử thì bị chinh phục hoàn toàn. Trà xanh ở dạng sốt hơi sệt kiểu paste, nên pha trộn với bất kì thứ gì cũng đều vô cùng tiện và dễ dàng. Màu và đặc biệt là mùi hương rất thơm. Và một điểm quan trọng nữa là màu khá bền. Như khi mình dùng để sên nhân trên chảo, sên cả nửa giờ thấy màu vẫn xanh tươi mát, không bị úa hay xỉn.

Loại sốt này là do Nhật Bản sản xuất, khi được giới thiệu thì mình có được xem cả các giấy chứng nhận chất lượng và an toàn vệ sinh nữa nên khá yên tâm. Chỉ có một vấn đề nho nhỏ là sản phẩm chỉ có gói cỡ 1 kg. Nếu mở gói ra sẽ phải giữ lạnh và dùng càng sớm càng tốt (để ngăn mát tủ lạnh trong lọ tiệt trùng được khoảng 1 tháng). Cho nên sau khi mở gói ra thì khâu bảo quản hơi lích kích một chút. Cách bảo quản của mình là tiệt trùng rất nhiều lọ nhỏ cỡ 50 – 100 ml, chia sốt vào các lọ này và để đông lạnh. Dùng tới đâu thì rã đông tới đấy. Để đông lạnh được bao lâu thì mình không rõ vì cũng mới có để dùng khoảng 3 tháng gần đây thôi, nhưng chắc sẽ được rất lâu. Làm cách này thì cũng có thể chia sẻ với người khác được :)

Đợt này trung thu chắc nhiều bạn sẽ có nhu cầu cần nhiều bột trà để làm bánh cho gia đình ăn và biếu tặng, hoặc kinh doanh. Nên mình giới thiệu lại sản phẩm này với cả nhà. Bạn nào quan tâm thì có thể liên hệ trực tiếp với công ty phân phối mặt hàng này tại Việt Nam theo địa chỉ sau nhé

Công ty TNHH Yên Nhiên

CÁCH LÀM BÁNH DẺO LẠNH SINGAPORE

Nguyên liệu (làm được 12 – 14 bánh dẻo cỡ 50 g)

A. Nhân bánh đậu xanh – trà xanh

  • 100 g đậu xanh (3.5 oz mung beans) – đã cà sạch vỏ
  • 45~50 g đường tuỳ khẩu vị (3 tbsp caster sugar)
  • 45 g dầu dừa hoặc dầu đậu phộng (3 tbsp coconut oil)
  • 1 thìa cafe sốt trà xanh hoặc 1 – 2 thìa cafe (2 – 4 g) bột trà xanh

B. Vỏ bánh (công thức cơ bản)

  • 100 g bột bánh dẻo (bột gạo nếp ĐÃ RANG CHÍN) (1 cup less 2 tbsp cooked glutinous rice flour)
  • 80 g đường bột (có thể thêm bớt tuỳ khẩu vị) (3/4 cup icing/ powdered sugar)
  • 30 g mỡ trừu/ shortening (2 tbsp shortening)
  • 80 – 150 ml sữa tươi không đường hoặc nước sạch ĐỂ LẠNH (1/3 – 1/2 cup COLD milk or water)
  • màu thực phẩm, hương liệu thực phẩm… theo sở thích

(*) GHI CHÚ QUAN TRỌNG (đọc kĩ trước khi làm)

1. Bột bánh dẻo là bột nếp đã rang chín, mua sẵn tại cửa tiệm bán đồ làm bánh hoặc siêu thị châu Á (ở nước ngoài). KHÔNG NÊN TỰ LÀM tại nhà vì bột sẽ dễ có mùi hoặc màu đậm.

2. Mỗi loại bột bánh dẻo CÓ ĐỘ HÚT NƯỚC KHÁC NHAU. Cho nên lượng nước trong công thức vỏ bánh có thể xê dịch khá lớn. VD mình dùng hết 135 – 140 ml nước cho 100 g bột, trong khi cùng công thức như vậy, ở Việt Nam có bạn chỉ dùng 80 ml. Bởi vậy, khi làm bánh các bạn cần linh hoạt (xem thêm ghi chú trong video), ĐỪNG CHỈ DỰA VÀO CÔNG THỨC (rồi làm hỏng lại “đổ tội” cho công thức nhé :().

3. Có thể bớt chút đường trong phần nhân nếu thấy quá ngọt nhưng không nên bớt nhiều đường và dầu. NẾU SÊN ĐÚNG CÁCH, ĐÚNG NHIỆT thì nhân sẽ rất mềm mịn dẻo và không bị tươm dầu. Nhân bị tươm dầu là do cách sên chứ không phải do cho nhiều dầu.

4. Đường bột là loại đường hạt rất mịn, nhỏ li ti như bột và trong thành phần có thêm chút bột bắp. Không thay bằng đường kính trắng xay mịn.

5. Nếu không có shortening, bạn có thể tham khảo Cách làm bánh dẻo lạnh ít ngọt tại đây.

6. Sữa hay nước trong công thức có thể thay bằng nước ép quả để bánh có màu/ mùi tự nhiên, vd như nước ép cà rốt, nước củ dền. Lưu ý, cần đun nước để diệt khuẩn và ĐỂ LẠNH rồi mới dùng làm bánh. KHÔNG đun nước vắt từ lá dứa/ lá nếp tươi vì ở nhiệt độ cao nước sẽ bị hỏng, mất màu.

Cách làm

Video hướng dẫn cách làm bánh dẻo lạnh đã được đăng tại kênh YouTube của Savoury Days. Nếu không xem được tại website thì các bạn có thể xem trực tiếp trên YouTube theo link này nhé. Video có chế độ HD, hướng dẫn cách bật HD ở cuối bài viết cách làm bánh flan này. 

 

TÓM TẮT CÁC BƯỚC VÀ LƯU Ý

A. Phần nhân bánh:

1. Rửa sạch đậu xanh rồi ngâm với nước nóng khoảng 2 giờ cho đậu mềm. Đun sôi, hớt bớt bọt rồi hạ lửa nhỏ, nấu liu riu tới khi đậu mềm nhừ. Thêm nước nếu nước quá cạn. Thi thoảng quấy đều cho đậu khỏi bị dính vào đáy nồi và cháy.

2. Trong một nồi khác, đun 50 g đường với 60 – 70 ml nước. Quấy cho đường tan rồi đun sôi. Hạ lửa nhỏ đun liu riu 2 – 3 phút tới khi nước cạn còn khoảng 1/3 – 1/2. Để nguội, ta có xi-rô đường.

3. Xay đậu thật kĩ, thật mịn. Nên xay với nhiều nước một chút, đậu sẽ dễ xay và dễ mịn hơn. Nhân có mịn tan hay không là phụ thuộc vào bước xay đậu này.

4. Lọc đậu qua rây đổ vào chảo (dùng chảo chống dính tốt). Cho xi-rô đường và toàn bộ dầu dừa hay dầu đậu phộng. Quấy cho các nguyên liệu hoà quyện. Bật bếp ở lửa vừa, quấy liên tục, hỗn hợp sẽ sôi nhẹ và hơi nước bay bớt. Nhân đặc dần.

5. Khi nhân tương đối sệt (sên được khoảng 20 – 25 phút) thì cho sốt trà xanh hoặc pha bột trà xanh với nước nóng cho tan hết rồi hoà với nhân. Sên tiếp tới khi nhân đặc, sên thấy nặng tay thì hạ lửa nhỏ nhất. Sên tiếp tới khi nhân quyện thành một khối dẻo, đặc, mịn. Để nguội.

Ta thu được khoảng 280 – 300 g nhân. Loại nhân này có chứa khá nhiều nước nên chỉ thích hợp để làm bánh dẻo lanh (vì được bảo quản trong tủ lạnh). Không dùng để làm bánh nướng (sẽ dễ bị mốc).

6. Khi nhân còn ấm, chia thành các viên cỡ 20 gram, nặn thành viên tròn. Bọc kín để tránh nhân bị khô.

B. Phần vỏ bánh 

1. Rây bột và đường, trộn đều.

2. Cho mỡ trừu/ shortening. Dùng ngón tay trộn nhanh để bột, đường và mỡ quyện thành các vụn nhỏ.

3. Vét bột để tạo một lỗ trống ở giữa bát, đổ sữa hay nước lạnh hoặc nước hoa quả lạnh vào. Dùng thìa trộn đều tới khi các nguyên liệu hoà quyện thì đeo găng tay, nhồi bột tới khi bột thành khối dẻo mịn. Bọc kín, để nghỉ 10 – 15 phút.

* Ghi chú

– Nên cho khoảng 100 – 120 ml nước/ sữa và trộn thử, nếu thấy bột quá nhão/ ướt thì thêm bột khô; nếu thấy bột quá khô thì thêm sữa. Nhân ướt và mềm một chút sẽ tốt hơn là nhân bị khô.

– Lượng shortening quyết định độ mềm của bánh. Cho quá ít shortening, bánh sẽ nhanh bị bở hoặc cứng.

– Dùng găng tay sẽ nhồi bột dễ hơn nhiều vì bột khá dính.

4. Chia bột thành các phần nặng 30 gram. Nên dùng bột bánh dẻo khô để chống dính cho mặt bàn, tay…

* Mình dùng khuôn cỡ 50 gram. Nếu các bạn dùng khuôn cỡ khác thì các bạn tính trọng lượng bột và nhân theo kích thước khuôn nhé. Có thể dùng tỉ lệ 4 nhân: 6 vỏ hoặc 5 nhân: 5 vỏ. Khuôn của mình là khuôn Singapore, đặt mua tại Việt Nam, từ lâu rồi nên không còn nhớ mua ở đâu nữa.

5. Cán bột thành hình tròn mỏng, rìa ngoài mỏng hơn ở giữa, đặt nhân vào, bọc kín. Lăn viên bánh qua bột khô để chống dính rồi đóng bánh.

6. Sau khi đóng xong hết bánh, để bánh trong hộp kín hoặc bọc kín. Để vào tủ lạnh khoảng 2 giờ cho bánh mát lạnh, vỏ và nhân dẻo hơn rồi dùng.

Bảo quản bánh trong hộp kín, để trong ngăn mát tủ lạnh, dùng trong 2 – 3 ngày. Hoặc có thể để đông lạnh, khi dùng rã đông trong ngăn mát tủ lạnh.

——–

* THÔNG BÁO: Post này kèm theo MINI GAME với QUÀ TẶNG là 1 KG SỐT TRÀ XANH (trị giá 1.8 triệu VND) và 3 GÓI BỘT TRÀ XANH mỗi gói 100 g (180.000 VND/ gói), xuất xứ Nhật Bản. Mini game tổ chức tại Facebook của Savoury days từ 22.8 đến hết 28.8.2016. Các bạn xem thêm thông tin tại đường link này nhé.