[VIDEO] Bánh quy bơ 3 trong 1 (Bánh quy bơ vạn năng)

    • Chuẩn bị
    • Nấu/Nướng
    • Khẩu phần
    • 40 cái
    • Độ khó

Ngày Tết không thể không nhắc tới bánh quy. Bánh quy để nhâm nhi với bạn bè, người thân cùng chén trà đầu Xuân. Bánh quy để trong những chiếc túi nilon thắt nơ hay những chiếc hộp thiếc nhỏ xinh xắn cũng là món quà Tết thật đặc biệt nữa.

Bánh quy tự làm khi nào cũng ngon hơn bánh quy sản xuất công nghiệp, và tiết kiệm hơn nhiều so với bánh quy từ các xưởng sản xuất “home-made”. Lý do ư? Tự làm có thể dùng bơ ngon, bột ngon, để vị ngọt vừa theo ý muốn…. Và kể cả khi dùng bơ, bột, trứng… hảo hạng thì tính ra giá thành vẫn rẻ hơn mua hàng bởi tự làm thì không có các loại phí thuê cửa hàng, phí nhân công, lãi… 

Món bánh quy này mình giới thiệu công thức từ năm ngoái, là công thức được rất nhiều bạn thích bởi nhanh gọn mà vẫn ngon, khả năng biến tấu lại vô cùng nhiều. Năm nay mình chỉnh lại chút xíu theo yêu cầu của một số bạn, muốn bánh xốp hơn nhưng vẫn đủ ngon và đẹp. Công thức cơ bản không thay đổi, chỉ cách làm là khác đi một chút xíu. Đặt tên “bánh quy 3 trong 1” vì từ một công thức này, có thể tạo hình các kiểu bánh khác nhau, để làm ra một hộp bánh đa dạng, với nhiều loại bánh có các hình dáng, hương vị khác nhau. Thật ra thì có thể làm được nhiều hơn “3” nhưng vì video giới thiệu 3 cách chính nên mình tạm đặt tên như vậy. Ngoài công thức, trong video cùng bài viết này, mình cũng chia sẻ thêm kinh nghiệm dùng các dụng cụ tạo hình các loại bánh quy khác nhau nữa. Các bạn đọc ở dưới nhé 

CÁCH LÀM BÁNH QUY BƠ 3 TRONG 1 

Nguyên liệu (làm được khoảng 40 – 50 cái bánh)

  • 240 gram bơ nhạt – để mềm ở nhiệt độ phòng
  • 240 gram đường xay  
  • 2 quả trứng gà (60 – 65g/ quả cả vỏ)
  • 1 teaspoon/tsp (5 ml) vani chiết xuất
  • 400 gram bột mỳ đa dụng (số 11)

Cách làm

Nếu không xem được video ở dưới, bạn có thể xem trực tiếp tại link này. Các lưu ý phía dưới video rất quan trọng, bạn đừng bỏ qua nhé. 

 

 

1. Để bơ ở nhiệt độ phòng từ 1- 2 giờ (tuỳ nhiệt độ) tới khi bơ mềm nhưng không bị chảy nước. Với trời mùa Đông lạnh, các bạn có thể làm ấm lò rồi cho bơ vào để bơ mềm nhanh, hoặc cắt bơ thành miếng nhỏ rồi quay vi sóng ở mức vừa. Cứ 20 – 30 giây lấy ra đảo đều 1 lần cho tới khi bơ mềm như trong video. 

2. Đánh bơ và đường ở vừa cho đến khi bơ chuyển sang màu vàng nhạt.

3. Để máy ở tốc độ thấp nhất, cho lần lượt từng quả trứng và vani vào, đánh đến khi hoà quyện

4. Vẫn để máy ở tốc độ thấp nhất, chia bột mì thành 2 phần, cho vào đánh đến khi hoà quyện thì dừng.

5. Nếu trời nóng trên 25 độ C thì bọc khối bột lại rồi để ngăn mát tủ lạnh 20 – 30 phút mới lấy ra tạo hình, cách này giúp cho bơ không chảy nhanh và bột không bị quá mềm. 

Bật lò ở nhiệt độ 185 độ, lửa trên và dưới (làm nóng lò trước khi nướng tối thiểu 15 phút. Nếu dùng lò đối lưu hoặc sử dụng quạt thì nhiệt độ chỉ để khoảng 170 độ C. 

6. Tạo hình bằng súng cookie press:

– Cookie press là dụng cụ tạo hình bánh quy, có rất nhiều mẫu khác nhau, chỉ cần cho bột vào “súng” rồi bóp xuống là sẽ có bánh theo mẫu, rất đều và đẹp. Cookie press có thể mua tại các cửa hàng bán dụng cụ làm bánh.

– Khi dùng cookie press, lưu ý là bột nên khô ráo. Khi cho bột vào súng, cần ấn bột cho bột kín hết ống đựng bột. Có quá nhiều không khí trong ống bột sẽ khiến cho việc bắn bột khó khăn hơn. 

– Dùng khay nướng thường, không chống dính và không dùng giấy nến. Lý do là nếu khay quá trơn hay chống dính, bột sẽ khó bám xuống khay. 

– Khi bắn cầm súng thẳng đứng, một tay giữ súng, một tay bóp mạnh, dứt khoát. Chỉ nên bắn một lần và khi bắn cần giữ súng chặt. 

Đem khay đi nướng trong thời gian khoảng 15 phút tới khi rìa ngoài bánh chuyển vàng nâu. Lấy bánh ra khỏi lò, để nguội hoàn toàn rồi bảo quản trong lọ kín, ở nơi thoáng mát, dùng trong khoảng 4 tuần.

7. Tạo hình bằng đui bắt kem 

– Các bạn có thể dùng đui bắt kem 1M hoặc 2D của WIlton (sò mở hoặc sò khép 6 cánh). 

– Để dễ bóp bột cho đẹp, nên để bột hơi mềm. Cho lượng bột vừa phải vào túi. Cho quá nhiều bột bóp sẽ khó xuống và dễ đau tay. Nên lồng hai túi bắt kem vào nhau để khi bóp nếu lỡ dùng lực quá mạnh thì cũng không bị rách túi. 

– Nếu khi bóp bột quá mềm, sau khi làm xong có thể để cả khay bánh vào tủ lạnh cho bột cứng lại, khi nướng bánh sẽ đỡ bị chảy hơn. 

– Phần nhân bánh có thể dùng nho hay cranberry khô, ngâm với nước ấm cho mềm. Hoặc dùng mứt sên từ dứa hay kiwi, theo cách làm trong công thức mứt hoa quả này.

8. Tạo hình bằng cách cán bột 

– Nên cán bột giữa hai tờ giấy nến như trong video, sẽ sạch sẽ và không dính. Độ dày khoảng 0,3 – 0,4 cm. 

– Công thức này giữ hình dáng bánh rất tốt nên sau khi làm xong không cần để tủ lạnh, có thể nướng ngay.

9. Các lưu ý khi nướng và bảo quản bánh:  

– Không dùng khay nướng sẫm màu đi kèm lò vì nhiệt truyền vào khay này thường cao, dễ bị cháy đế bánh).

– Nhiệt và thời gian nướng thay đổi tuỳ loại lò và đăc điểm của lò. Nếu bánh vàng quá nhanh, nên hạ nhiệt hoặc tắt nhiệt trên trong 2/3 thời gian đầu. 

– Bánh quy cần nướng đủ thời gian, bánh đủ khô mới để được lâu và giòn lâu. Bánh nhanh ỉu, mềm hoặc dai, đặc biệt là phần giữa bánh là do nướng thiếu thời gian, bánh chưa chín và khô hết (nhất là ở phần giữa bánh dày hơn).

– Sau khi nướng xong, bạn có thể tắt lò, để cả khay bánh trong lò thêm 3 – 4 phút mới lấy ra để bánh khô hẳn. Hoặc sau khi  bánh nguội và bị ỉu, có thể bật lò ở 110 độ C, cho toàn bộ bánh vào “sấy” (nướng) ở 110 độ C trong 5 – 7 phút để bánh khô trở lại. Lưu ý không sấy quá lâu kẻo bánh sẽ quá khô cứng.

–  Bánh quy sau khi lâys ra khỏi lò, cần để trên khay tối thiểu 5 phút mới lấy ra ngoài. Lấy bánh quy ra khỏi khay quá sớm, khi bánh còn mềm, sẽ rất dễ vỡ bánh. 

* LƯU Ý VỀ NGUYÊN LIỆU

– Bơ giúp tạo nên hương vị của bánh. Bơ ngon cho bánh ngon. Nên chọn loại bơ tốt, mùi vị thơm ngon, ví dụ bơ Anchor, President… (không có muối). Không dùng bơ thực vật (magarine, vd bơ Tường An).

– Đường bột là loại đường được xay mịn như bột và có thêm 1 tỉ lệ nhỏ bột ngô ở trong. Đường bột tan và hoà quyện với các nguyên liệu khác nhanh hơn. Ở Việt Nam có các loại đường bột của Biên Hoà, Farina, đường nhập khẩu từ Singapore….

 Trứng gà: dùng trứng công nghiệp, trọng lượng (cân cả vỏ) khoảng 60 – 65 gram. Nếu dùng trứng gà ta, cần phải cân đủ lượng theo công thức: 1 quả trứng = 50 gram (không tính vỏ, gồm 30 g lòng trắng và 20 g lòng đỏ)

– Vani: nên chọn mua va-ni chiết xuất tự nhiên, nhập khẩu từ nước ngoài (VD: va-ni Wilton nhập khẩu từ US). Không dùng va-ni hoá học dạng bột (thường bán trong các chợ truyền thống) vì có thể tạo vị đắng.

– Bột mì: dùng bột mì đa dụng (số 11) như bột bông hồng xanh, Hoa Ngọc Lan… Lưu ý rằng mỗi loại bột có độ hút nước khác nhau, nên khi dùng làm bánh, lượng bột trong thực tế có thể xê dịch từ 10 – 30 gram so với lượng ghi trong công thức.