BÁNH MÌ KIM SA (lava trứng muối) – không cần nhồi – nướng nồi chiên không dầu

    • Chuẩn bị
    • Nấu/Nướng
    • Chờ
    • 2 giờ
    • Khẩu phần
    • 9 bánh nhỏ
    • Độ khó

Tiếp tục chuyên mục bánh mì bất bại “không cần nhồi” – nồi chiên không dầu, lần này còn được gấp đôi sức mạnh nhờ nhân lava trứng muối ngậy béo và tạo hình siêu đáng iu nữa ạ ;)

Công thức bánh mì sữa không cần nhồi siêu hot thì chắc không cần phải nói nhiều nữa, nhưng thêm nhân lava trứng muối bùi béo, chà bông mằn mặn, đảm bảo là không chỉ trẻ nhỏ mà “trẻ nhớn” cũng sẽ thích nha 😉

CÁCH LÀM BÁNH MÌ KIM SA (LAVA TRỨNG MUỐI)

Nguyên liệu

A. Bánh mì sữa không cần nhồi (khuôn vuông 18cm)

  • 285 gram bột mì đa dụng (trong CT dùng bột mì Hoa Ngọc Lan)
  • 5 gram (1,5 thìa cafe) men nở
  • 25 – 30 gram đường kính
  • 1 nhúm muối nhỏ
  • 195 gram sữa tươi không đường
  • 45 gram sữa đặc
  • 40 gram bơ động vật không muối, làm chảy

* Trong video tụi mình dùng nồi chiên không dầu của 2GOOD, vì nồi nhỏ nên nhiệt độ nướng thấp hơn lò nướng khoảng 10 – 15 độ C. Nếu bạn nào dùng lò nướng thì tăng thêm 10 độ so với công thức nhé. 

B. Sốt kim sa

  • 70 gram nước cốt dừa
  • 30 gram kem tươi
  • 40 gram sữa đặc
  • 25 gram bơ động vật không muối
  • 5 lòng đỏ trứng muối (hấp/nướng chín)
  • 30 gram sữa bột
  • 1 thìa cafe bột sư tử

* Lưu ý: 

– Cho thêm một chút bột custard/bột sư tử giúp bánh có màu vàng hơn, có mùi thơm hơn, nếu không mua được/không thích bột này các bạn có thể bỏ qua. 

– Dùng bơ động vật giúp bánh thơm ngon hơn rất nhiều, KHÔNG nên dùng các loại bơ thực vật như Tường An hay Meizan.

Cách làm

A. Bánh mì:

  1. Cách làm bánh mì không cần nhồi mình đã viết rất chi tiết tại đây, các bạn xem nhé: http://www.savourydays.com/cach-lam-banh-mi-bang-noi-chien-khong-dau-khong-can-nhoi-bot/
  2. Bột sau khi gập và để nghỉ đạt thì chia thành 9 phần to, mỗi phần 60 gram và 9 phần nhỏ, mỗi phần 4 – 5 gram (dùng để làm mũi).
  3. Tạo mặt mịn cho bột bằng cách gập phần mép vào giữa, sau đó vê lại. Phần bột nhỏ thì các bạn ấn cho dẹt một chút.
  4. Xếp bột vào khuôn, xếp phần bột nhỏ lên trên, có thể chấm chút nước để kết dính 2 phần bột. 
  5. Che kín và ủ tới khi bột nở gấp đôi.
  6. Nướng bánh (lò nướng hoặc nồi chiên cần làm nóng trước 15 phút)

– Nếu nướng bằng lò: 175 – 180 độ C trong 25 – 28 phút (lưu ý sau khoảng 10 – 12 phút kiểm tra, nếu mặt bánh vàng thì dùng giấy bạc che lại).

– Nếu nướng bằng NCKD của 2Good: 160 – 170 độ C trong 25 – 28 phút (sau khoảng 7 phút cần kiểm tra, nếu thấy mặt bánh đã vàng thì che giấy bạc)

– Nếu nướng bằng NCKD thường (loại nồi nhỏ, có gió thổi từ trên xuống rất mạnh): Dùng giấy bạc che khuôn bánh ngay từ đầu (lưu ý để khoảng trống cho bánh nở), nướng khoảng 20 phút thì gỡ giấy bạc và nướng thêm 5 – 7 phút cho bánh vàng mặt.

  1. Bánh sau khi nướng xong thì lập tức gỡ khỏi khuôn, để nguội hoàn toàn trên rack. Nếu muốn bánh mềm và thơm hơn có thể phết 1 lớp bơ lên khi bánh còn nóng ấm.

B. Sốt kim sa

  1. Lòng đỏ trứng muối rửa sạch, hấp trong khoảng 10 – 12 phút tới khi trứng chín hoàn toàn.
  2. Cho bơ, nước cốt dừa, kem tươi, sữa đặc vào nồi, khuấy đều trên lửa nhỏ tới khi bơ tan hết, hỗn hợp ấm nóng, KHÔNG đun sôi. Vì sốt này sẽ dùng trực tiếp nên bước này giúp tiệt trùng các loại nguyên liệu bơ sữa.
  3. Cho trứng muối, hỗn hợp bơ sữa, bột sữa, bột custard vào máy xay, xay tới khi hỗn hợp mịn mượt.
  4. Lọc lại hỗn hợp qua rây để loại bỏ các phần trứng chưa nhuyễn, giúp nhân mịn mượt hơn. Cho nhân vào túi bắt kem. Phần nhân này nếu chưa dùng ngay có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 3 ngày.

C. Hoàn thiện bánh

– Dùng socola đun chảy để vẽ mắt, mũi hình con hổ.

– Dùng que nhọn chọc vào giữa bánh, tạo khoảng trống để bơm nhân.

– Bơm nhân vào bánh, phun một chút ở rìa mỗi phần bánh rồi cho chà bông/ruốc lên, tạo phần bờm sư tử. 

* Bảo quản: Bánh để trong túi, hộp kín để nhiệt độ phòng khoảng 1 – 2 ngày. 

Tốt nhất nên để bánh trong ngăn mát tủ lạnh, khi ăn có thể nướng lại bằng NCKD ở 170 độ C trong 7 – 9 phút là bánh lại ngon như mới.