Cách làm sữa chua dẻo và sữa chua Hy Lạp

    • Độ khó

Trong bài này Savoury Days xin giới thiệu với các bạn cách làm sữa chua dẻo và sữa chua Hy Lạp. Mời các bạn xem tổng hợp về loạt bài “Cách làm sữa chua tại nhà” với các công thức sữa chua khác như sữa chua uống, sữa chua phô mai (hay sữa chua Đà Lạt) và sữa chua hoa quả và cách khắc phục các vấn đề thường gặp (sữa chua bị tách nước, không đông hay bị nhớt) tại đường dẫn sau


Hồi mới học nấu ăn, đọc sách dạy nấu ăn của nước ngoài, thi thoảng mình hay thấy tác giả lưu ý nên dùng Greek yogurt (sữa chua Hy Lạp) để giúp cho món ăn có hương vị đậm đà, ngon và hấp dẫn hơn. Tò mò không biết loại sữa này có điểm gì ưu việt hơn sữa chua thường, nên mình mua về ăn thử, ăn rồi nghiền luôn, không ăn sữa chua thường nữa. Greek yogurt ở siêu thị đã ngon, nhưng phải đến khi đi Athens và nếm thử sữa chua ở đây, mình mới biết được hương vị sữa chua Hy Lạp đích thực như thế nào. Sữa chua trắng muốt, được dựng trong một cái chén con, phía trên có ít mứt quả thơm ngọt. Sữa đặc và dẻo quánh như kem, vị chua nhẹ và ngậy béo quyện với mứt ngọt ngào. Nếu không phải vì mức giá hơi mắc (3 EUR/ chén nhỏ xíu) thì có lẽ mình đã gọi nguyên hũ để ăn thay cơm rồi.

Sữa chua Hy Lạp với hoa quả tươi & chocolate và Sữa chua dẻo vị trà xanh

Collague

Có lẽ vì vị ngon đặc biệt này, cùng với rất nhiều lời khen ngợi hàm lượng đinh dưỡng trong sữa chua Hy Lạp, mà loại sữa này có giá đắt hơn kha khá so với sữa chua thông thường. Vì vậy nên sau khi biết cách tự làm sữa chua Hy Lạp thì mình cực kì … phấn khởi. Bởi cách làm hóa ra rất dễ, mà tính ra giá thành thì rẻ hơn nhiều so với đi mua, mùi vị cũng hợp khẩu vị hơn nữa.

Nguyên tắc để làm sữa chua Hy Lạp rất đơn giản. Vì trong sữa chua thường có một lượng nước khá lớn (khoảng 70 – 80%), còn lại là protein trong sữa. Nên khi bỏ bớt phần nước này, ta sẽ thu được phần sữa chua đặc và dẻo hơn, và sản phẩm này chính là sữa chua Hy Lạp. Việc tách nước cũng không có gì phức tạp. Chỉ cần dùng một mảnh vải lọc, cho sữa vào rồi treo lên, để nước tự thấm qua vải và rơi xuống, sữa sẽ được giữ lại bên trong vải. Sau khoảng 6 – 8h là có sữa chua Hy Lạp dẻo quánh.

Đến đây không biết có ai ồ lên: “Ô, thế hóa ra là giống phô-mai tươi ah?” không nhỉ?! :)

Đúng là phương pháp tách nước của sữa chua Hy Lạp rất giống với cách làm phô mai tươi được nhiều bạn chia sẻ ở VN từ khoảng năm 2009. Tuy nhiên, nếu nguyên liệu ban đầu là sữa chua, thì trải qua quá trình tách nước, sản phẩm thu được sẽ có một số tên gọi là: sữa chua Hy Lạp/ Labneh (sữa chua tách nước của Trung Đông), hoặc phô-mai sữa chua (yogurt cheese). Sản phẩm này so với phô-mai tươi ăn khá là khác, vì vậy không nên nhầm lẫn. Và đặc biệt là không nên đánh đồng với cream cheese, vì thực sự là chất lượng của phô-mai sữa chua thu được từ sữa chua tách nước còn xa mới có thể so sánh với Kraft Philadelphia cream cheese được.

Sữa chua Hy Lạp có thể được làm từ nhiều loại sữa chua khác nhau, miễn là không quá lỏng hay loãng. Ở bên này mọi người hay làm từ sữa chua không đường rồi ăn kèm mật ong hay mứt, hoặc dùng để trộn sốt ăn salad. Nhưng mình hay làm sữa chua có đường, rồi tách nước, và dùng phần sữa sau khi tách nước trộn với quả tươi hay ăn kèm bánh ngọt kiểu tart, rất ngon.

Cách làm cụ thể như sau nhé:

* Nguyên liệu và dụng cụ

  • Sữa chua đặc, có hoặc không đường  
  • 1 chiếc âu sạch 
  • 1 chiếc rá hoặc rổ nhỏ, có thể đặt lên miệng âu và đáy rổ còn cách đáy âu một khoảng 
  • 1 miếng vải cotton sạch 

Lưu ý: Nên dùng sữa chua tự làm vì sữa chua sản xuất công nghiệp đôi khi có thể có cả Gelatin hoặc Pectin – là chất tạo đông, giúp cho sữa không bị tách nước nếu trong quá trình vận chuyển có va đập mạnh. Những loại sữa này vì thế sẽ không thể tách nước để làm sữa chua Hy Lạp được. Nếu muốn dùng sữa chua sản xuất công nghiệp, các bạn nên kiểm tra trước thành phần sữa (trên vỏ bao bì) xem có Gelatin hoặc Pectin không nhé. 

Các loại dụng cụ này nên được khử trùng để tránh vi khuẩn xâm nhập làm hỏng sữa chua. Thường thì mình tráng âu và rổ qua nước sôi rồi sấy khô trong lò nướng. Vải cũng cho vào nước sôi luộc rồi vắt kiệt nước.

Để tách nước, các bạn đặt chiếc rổ lên trên âu, lót miếng vải vào trong lòng rổ rồi quấy đều sữa chua và đổ lên trên tấm vải. Có thể dùng nilon hoặc phủ thêm 1 tấm vải sạch khác lên trên để tránh bụi bẩn dây vào sữa chua. Nước sẽ tự chảy qua vải, qua rây và rơi xuống âu đặt phía dưới.

Đây là cách mình làm – dưới cùng là âu to, trên âu là rây và một miếng vải sạch lót rây để sữa chua không tiếp xúc với kim loại

IMG_5571

Nếu không có rây hay rổ, rá, các bạn có thể treo miếng vải đựng sữa chua lên, như thế này:

DSC04934

Nguồn ảnh: Capall Equine Photography

Nên đặt âu đựng sữa đang tách nước trong tủ lạnh. Việc này sẽ giúp bảo quản sữa chua tốt hơn. Vì để sữa bên ngoài 8 – 10 tiếng cũng là một khoảng thời gian dài, nhất là ở một số nơi như Việt Nam, môi trường không được sạch sẽ, vi khuẩn có thể xâm nhập vào sữa.

Càng để lâu, nước càng chảy ra nhiều thì phần sữa còn lại càng đặc và dẻo. Do vậy, tùy vào sở thích muốn sữa chua đặc dẻo nhiều hay ít mà bạn có thể điều chỉnh thời gian tách nước. Thường thì mình để qua đêm, từ 10h tối đến 6h sáng hôm sau. Nếu để lâu hơn, khoảng 18 – 24 giờ thì bạn sẽ có sản phẩm rất đặc, giống kiểu như phô-mai, có thể dùng để trét bánh như kem được.

Sữa chua trước và sau khi tách nước

Sua chua Hy Lap

Thành phẩm
Cách làm sữa chua dẻo và sữa chua Hy Lạp

Phần nước tách ra từ sữa chua cũng có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng (vì thực ra nó là một phần của sữa chua mà) và hoàn toàn có thể uống được. Nhưng trong nước này cũng có chứa khá nhiều acid nên bạn nào có vấn đề với dạ dày thì lưu ý một chút khi dùng nhé.

1kg sữa chua có thể làm được khoảng 250 – 350gr sữa chua Hy Lạp, tùy độ đặc lỏng theo ý muốn của người làm. Sữa chua sau tách nước có thể bảo quản trong lọ, hộp sạch trong khoảng 10 – 14 ngày.

Một điểm hay ho nữa mà mình tình cờ phát hiện từ việc tách nước sữa chua này là khi sữa chẳng may bị nhớt, cũng có thể xử lí bằng cách này. Sữa sau tách nước đặc và mềm dẻo hơn, hoàn toàn không bị nhớt nữa :)

Đó là sữa chua Hy Lạp. Loại sữa chua thứ hai mà mình muốn đề cập đến trong bài này là sữa chua dẻo của Việt Nam. Thật ra thì mình chưa ăn sữa chua dẻo ở nhà bao giờ. Sau khi nghe các bạn mô tả và tìm hiểu thử cách làm sữa chua dẻo trên mạng thì mình cảm giác khái niệm “dẻo” của sữa chua dẻo ở VN cũng khá là khác so với mình nghĩ. Với mình thì sữa chua dẻo là sữa chua kiểu như sữa chua Hy Lạp, mềm và dai, đặc quánh, hơi giống với kem. Còn sữa chua dẻo ở nhà thì dường như là dẻo mềm kiểu thạch jelly, có thể dùng dao cắt miếng vuông vắn được.

Dựa theo các hướng dẫn trên mạng thì mình có thử làm sữa chua dẻo bằng cách trộn sữa chua thành phẩm với Gelatin. Tỉ lệ mà mình dùng là 500 gram sữa chua (khoảng 450ml) với 5 gram Gelatin (dạng bột hoặc lá). Cách làm sữa chua dẻo cụ thể là:

  • Gelatin ngâm với khoảng 20 – 30 ml nước lạnh trong 10 phút cho nở mềm, rồi cho vào lò vi sóng hoặc chưng cách thủy cho tan chảy.
  • Quấy đều cho Gelatin nguội bớt rồi múc một vài thìa sữa chua, cho vào trộn đều với Gelatin.
  • Cuối cùng trộn phần sữa pha Gelatin này với phần sữa chua còn lại.
  • Quấy thật đều cho Gelatin hòa quyện trong sữa chua. Đổ vào hộp hoặc lọ nhỏ, để tủ lạnh trong 1 – 2h cho sữa đông đặc lại.
  • Trước khi ăn để sữa lên ngăn đá khoảng 30 – 45 phút cho sữa thật lạnh. Rồi lấy ra cắt miếng nhỏ, rắc bột cacao (mình dùng bột trà xanh vì thích vị trà xanh hơn).

Ăn sữa chua dẻo kiểu này cũng hay. Nhưng mình nghĩ nếu muốn sữa ngậy béo và đặc hơn nữa, các bạn có thể tách một ít nước trong sữa chua (theo cách làm sữa chua Hy Lạp) trước rồi mới trộn với Gelatin. Như vậy sữa sẽ đặc hơn và ít dăm đá hơn nếu để đông lạnh. À, còn một lưu ý nữa là sữa chỉ nên để ngăn đá khoảng 45 – 60 phút thôi nhé. Đừng để quá lâu vì sữa vẫn có khả năng đông thành đá.

————————

Chuyên đề về sữa chua tạm kết thúc tại đây. Hi vọng những ghi chép của mình sẽ có ích và giúp các bạn luôn thành công với nhiều mẻ sữa chua ngon, bổ, rẻ để tráng miệng trong những ngày hè nóng nực ;) Nếu có thể, hãy chụp ảnh và chia sẻ thành quả với các bạn khác nhé! :)

Nếu muốn tìm hiểm thêm mời các bạn xem tổng hợp về loạt bài “Cách làm sữa chua tại nhà” với  nhiều công thức sữa chua ngon và cách khắc phục các vấn đề thường gặp.