{Bánh trung thu} Giải đáp thắc mắc, các thất bại thường gặp & cách khắc phục

Cỡ chữ

* Bài viết dưới đây tổng hợp tất cả các câu hỏi, thắc mắc, vấn đề thường gặp khi làm bánh nướng trung thu, bao gồm cả làm trứng muối, rượu Mai Quế Lộ, chọn khuôn… Nếu vẫn còn câu hỏi chưa được giải đáp, các bạn có thể để lại phản hồi ở cuối bài, mình sẽ cố gắng trả lời sớm. Tuy nhiên, mình sẽ không trả lời lại những vấn đề đã được nhắc đến trong bài nên rất mong các bạn sẽ đọc kĩ bài viết trước khi đặt câu hỏi nha. 

* Bài viết mang tính chất chia sẻ kinh nghiệm và phi lợi nhuận. Các bạn có thể lưu lại để dùng tham khảo. Vui lòng không đăng tải lại tại bất kì địa chỉ nào khác. 

———————–

A. Trứng muối (Cách làm trứng muối)

Với mình, trứng muối giúp cho mùi vị của bánh trung thu ngon hơn rất nhiều. Vị bùi béo và hơi mằn mặn của trứng muối phù hợp với cả nhân ngọt lẫn nhân mặn của bánh trung thu. Thông thường, trứng muối sau khoảng 3 – 4 tuần là có thể dùng được. Trứng muối đạt sẽ có lòng đỏ cứng và màu đỏ tươi hoặc gần sẫm, thơm các vị gừng, hồi, quế... Lòng trắng của trứng muối rất mặn nên thường bỏ đi, chỉ lấy lòng đỏ. Lòng đỏ này có thể nướng hoặc hấp chín, hoặc để sống, trộn với ít dầu ăn rồi trữ đông lạnh trong 2 – 3 tháng.

Lọ để muối trứng nên dùng lọ thủy tinh hoặc sành sứ sẽ tốt hơn lọ nhựa do nồng độ muối trong nước khá cao. Luôn phải có một tấm nan tre hoặc vật nặng chèn miệng lọ (ví dụ túi nilon đựng nước) để trứng luôn chìm trong nước. Trứng nổi trên mặt nước sẽ dễ bị thối hoặc mốc. Một quả hỏng có thể ảnh hưởng đến cả lọ.

Nếu trong quá trình muối phát hiện thấy có quả hỏng hoặc trong nước có dấu hiệu lạ (nổi váng..): Nếu phát hiện sớm và dấu hiệu không quá nghiêm trọng thì bỏ phần hỏng và đổ nước đi, nấu lại nước mới. Cẩn thận hơn có thể đập thử một quả khác trong lọ để kiểm tra, nếu trứng thơm, lòng đỏ có dấu hiệu cứng lại thì không vấn đề gì.

Để trứng trong nhân bánh tròn đẹp, nên muối trứng hơi “già” một chút cho trứng cứng hẳn, khi đóng bánh trứng sẽ ít bị méo hơn.

Chỉ cần pha tỉ lệ muối: nước theo như công thức, không nhất thiết phải dùng đủ lượng nước trong công thức (nếu lọ nhỏ & xếp trứng rất khít thì có thể dùng ít nước muối hơn).

B. Rượu Mai Quế Lộ (Cách làm rượu Mai Quế Lộ)

Rượu Mai Quế Lộ chủ yếu dùng để cho vào nhân thập cẩm của bánh trung thu. Lượng dùng không nhiều, một chai rượu 0,75 lít có thể đủ để làm từ vài chục đến hàng trăm bánh tùy theo kích thước bánh. Rượu MQL rất dễ làm và rất thơm nên dùng để làm các món kho mình thấy cực kì ổn. Đây cũng là nguyên liệu nên có khi bạn ướp các món nướng kiểu Trung Hoa như thịt nướng, vịt quay… Hoặc nếu cần khử tanh hải sản cũng có thể dùng.

Địa chỉ và giá thành các nguyên liệu cho vào rượu MQL ở Việt Nam đã được một số bạn chia sẻ trong phần phản hồi của bài về rượu MQL. Nên cố gắng mua được đủ nguyên liệu, còn nếu không thể thì cũng không phải là vấn đề rất lớn.

Rượu MQL mình tự ngâm sẽ hơi khác với rượu MQL của Trung Quốc một chút. Theo mình thấy thì rượu tự ngâm có mùi vị kiểu Việt Nam đặc trưng hơn và cũng rẻ hơn.

C. Khuôn bánh & lò nướng (Cách chọn khuôn bánh trung thu)

Về khuôn bánh, thường thì mình dùng hai loại 50 gr và 75 gr do cảm giác bánh nhỏ dễ ăn và ít ngán hơn bánh to. Khuôn dễ dùng nhất có lẽ là loại khuôn nhựa không lò xo, chỉ cần ấn bánh vào khuôn rồi tháo nắp để lấy ra. Nếu dùng khuôn lò xo và chưa thạo đóng bánh thì chọn khuôn tròn sẽ dễ đóng bánh đẹp hơn khuôn vuông. Nếu là bánh nướng, nên chọn khuôn có vết khắc sâu để bánh được sắc nét.

Khuôn của mình mang từ Việt Nam sang, nhưng mình cũng có mua được thêm khuôn từ Amazon và Ebay, bạn nào ở nước ngoài có thể tìm kiếm “mooncake mold” nhé. Nếu không có khuôn, vẫn có thể làm được bằng cách nặn hình các con thú như heo, chó, thỏ…

Mình luôn dùng lò nướng để nướng mọi loại bánh. Các lò thủy tinh, vi sóng, lò halogen nồi nướng thường chỉ có một lửa phía trên nắp hoặc phía dưới. Điều này dễ làm cho phần mặt bánh tiếp xúc với lửa trên (rất nóng) sẽ dễ bị cháy, trong khi ở phía dưới không có nhiệt sẽ bị sống. Mình không có kinh nghiệm gì với việc nướng bánh trong các loại dụng cụ này. Mặc dù khi nướng có thể lật mặt bánh để bánh chín đều, nhưng bánh trung thu thường nướng trong thời gian ngắn và khi còn nóng thì vỏ bánh rất mềm nên nếu lật không khéo mặt bánh sẽ bị hỏng.

D. Nước đường bánh nướng (Cách nấu nước đường cho bánh nướng)

Câu hỏi mình nhận được nhiều nhất về nước đường là nước đường thế nào là đạt. Trong 3 cách mình đã nêu trong bài về nước đường, cách thứ 3 có lẽ là cách chuẩn xác nhất. Từ một công thức trong bài, nếu bạn nấu ra được khoảng 1,1 – 1,2kg nước đường là ổn.

Nước đường bánh nướng sánh nhưng không đặc, khi rót ra vẫn chảy lỏng, sánh hơn mật ong một chút nhưng chưa bằng mạch nha. Nếu lỡ nấu hơi đặc (nước sánh như mạch nha hoặc đông lại khi nguội), bạn có thể nấu thêm một mẻ khác loãng hơn, rồi đổ hai loại nước đường vào nấu cùng nhau. Nếu có vị đắng nhiều (do nước đường nấu quá lâu bị cháy thành nước hàng) thì nên làm mẻ mới.

Nếu dùng đường trắng, sau khi nấu xong nước sẽ chỉ có màu vàng nhạt. Nước đường để càng lâu sẽ càng sánh và sậm màu hơn. Nếu không có thời gian nấu trước, nên dùng đường vàng hoặc đường nâu. Nước đường có thể dùng sau khoảng 10 – 14 ngày và sẽ cho bánh có màu sậm hơn nước đường nấu với đường trắng. Nhược điểm là đường nâu có thể làm cho nước có mùi đường đậm hơn thông thường (nhưng mình lại thích mùi ngọt này vì thấy nó thơm giống mật :) )

Có thể bớt đường trong công thức để bánh bớt ngọt không? Nước đường nấu theo công thức nào sẽ đi kèm theo công thức vỏ bánh đó. Vỏ bánh mà mình giới thiệu tại SD hoàn toàn không ngọt, theo khẩu vị của mình, nên các bạn yên tâm nhé

Nếu nước đường có vẩn đục kiểu như hạt đường: có thể nấu lại rồi dùng, khi nấu lại nên cho thêm chanh.

Nếu đáy lọ đường có các hạt đường kết tinh (bị lại đường): có thể ngâm cả lọ đường vào nước nóng để hạt đường tan ra rồi nấu lại theo cách như trên.

Phải đợi nước đường nguội hết mới được đậy nắp lọ, nếu không hơi nóng sẽ làm đọng hơi nước ở nắp lọ, làm nước đường bị chua hoặc mốc.

E. Nhân đậu xanh – trà xanh – lá dứa (Cách sên nhân đậu)

Với các loại nhân kiểu tinh bột này, vấn đề thường gặp nhất có lẽ là nhân bị khô, sau khi sên xong thì ra rất nhiều dầu (bị chảy hay tươm dầu). Hoặc sau khi đã nướng bánh xong rồi để 1 ngày thì cảm giác như vỏ hút dầu từ nhân, nhân co lại và tách khỏi vỏ… Về nguyên nhân và cách khắc phục hiện tượng này, mình xin được giải thích tóm tắt như sau:

Mục đích của việc sên nhân là rút bớt nước trong hỗn hợp đi, thay vào bằng dầu ăn, đường và mạch nha (nếu có). Nhân càng được sên kĩ (ở lửa nhỏ) để nước bay hơi nhiều và càng ngấm dầu thì càng dẻo. Dầu (và mạch nha) có thể ví như chất kết nối tinh bột trong nhân, giúp cho nhân tuy không có nước nhưng không bị khô hay bứ.

Nói cách khác, để nhân được mềm dẻo thì phải có dầu ăn trong nhân và càng ít nước càng tốt. Có một lưu ý trong quá trình sên là khi nhân càng khô thì sẽ càng khó hòa quyện với các nguyên liệu khác như dầu ăn hay mạch nha. Vì vậy nên cần cho dầu ăn (và các nguyên liệu khác) vào khi nhân vẫn còn loãng. Và quấy liên tục để các nguyên liệu được hòa quyện.

Đôi khi, mọi người sên nhân xong thấy dầu bám nhiều ở bên ngoài thì nghĩ rằng mình đã cho quá nhiều dầu và tự động giảm bớt dầu đi. Nguyên nhân thực ra không phải là do quá nhiều dầu mà là do cho dầu chậm, khi nhân đã bắt đầu khô, làm cho tinh bột khó hút và hòa quyện với dầu. “Chữa” bằng cách giảm dầu thậm chí có thể gây tác dụng ngược, vì khi cho ít dầu hơn, nhân sẽ kém mềm dẻo, mặc dù để nguội vẫn khô và đứng, đủ để đóng bánh, nhưng khi cắt ra sẽ dễ bị bở, ăn thấy bứ.

Cách phòng tránh hiện tượng nhân bị khô tốt nhất, theo mình nghĩ, là sên nhân ở lửa nhỏ và cho dầu ăn vào khi nhân còn loãng. Nếu bạn dùng bếp ga, lửa thường nóng hơn bếp bình thường, thì nên cho dầu vào trong giai đoạn đầu, và có thể cho nhiều nước hơn một chút. Khi nhân đã bắt đầu đặc, quấy thấy nặng tay thì hạ lửa nhỏ và không cho thêm gì nữa. Sên đến khi nhân vừa dẻo mềm thì bắc xuống. Vì nếu nhân đã khô rồi mà vẫn tiếp tục sên thì cũng có thể bị chảy dầu.

Bột bánh dẻo cho vào sẽ giúp nhân đứng và dễ nặn hơn, nhưng không nên cho quá nhiều vì cũng dễ làm nhân bị khô và bở.

Nhân sên đạt sẽ rất dẻo và mịn, rất ít dầu bám ở bên ngoài. Nếu có quá nhiều dầu bám ngoài nhân, khi nướng xong, dầu này sẽ bị hút vào vỏ, gây ra hiện tượng như mô tả ở trên (mình sẽ viết thêm một bài về nhân sen nhuyễn và mô tả lại quá trình sên nhân để tránh bị khô, các bạn đợi nhé).

Về cách khắc phục nhân khô thì mình nghĩ có thể cho nước nóng vào hòa cho nhân loãng ra, sau đó cho thêm dầu trộn cùng nhân rồi sên đến khi nhân dẻo. Nếu chỉ cho nước mà không cho dầu, thì sau khi sên, nước bay hơi hết, nhân sẽ vẫn bị khôNếu nhân khô nhưng bên ngoài lại có bám nhiều dầu, cần lấy giấy thấm hết phần dầu này rồi mới chữa.

Nếu làm nhân trà xanh hay lá dứa, nên cho trà xanh hoặc lá dứa vào khi nhân còn loãng. Nếu muốn trộn với dừa tươi, cũng nên cho vào khi nhân còn loãng. Nếu là dừa khô hoặc hạt khô thì cho vào sau cùng khi đã sên xong.

Nhân sen nhuyễn: mềm, dẻo và không bị tươm dầu (mặc dù cho khá nhiều dầu khi sên)

2014-08-15

F. Vỏ bánh (Cách làm bánh nướng: công thức vỏ bánh, đóng khuôn, nướng)

Như đã nói trong bài về vỏ bánh nướng, công thức mà mình giới thiệu tại blog là công thức mình thấy ưng ý nhất, sau khi đã thử rất nhiều các công thức khác nhau. Trứng và bơ đậu phộng giúp cho vỏ bánh mềm hơn, không bị co sau khi cán, đóng bánh sắc nét hơn, khi ăn có vị bùi thơm và giúp vỏ bánh ít ngọt hơn. Vỏ bánh này với mình thì không ngọt. Nhưng nếu bạn vẫn thấy ngọt thì có thể giảm đường trong nhân, hoặc kết hợp với nhân mặn chứ không nên giảm nước đường trong vỏ bánh nhé.

Khi trộn vỏ, không cần trộn lâu và kĩ, chỉ cần trộn đến khi các nguyên liệu hòa quyện, mịn, đồng nhất là được.

Nếu sau khi trộn xong mà bột vỏ bánh bị khô, thì có thể do loại bột bạn dùng hút ẩm nhiều, hoặc nước đường quá đặc. Có thể thêm chút nước để làm cho bột vỏ mềm hơn.

Nếu vỏ bánh quá ướt và bở, khi bọc bánh dễ bị rách (thường do nước đường loãng hoặc mới nấu), có thể cho thêm ít bột mì để bột vỏ khô hơn.

Nhiều người hay nói vỏ bánh nướng càng mỏng thì càng khéo. Điều này đúng vì vỏ càng mỏng bọc nhân sẽ càng khó. Nhưng để ăn ngon miệng thì mình thấy vỏ bằng 1/2 nhân, hoặc 2/3 nhân là vừa, sẽ có sự cân bằng giữa nhân và vỏ, chống ngán nữa vì vỏ bánh cũng rất ngon :)

Khi nướng bánh xong, thông thường ban đầu vỏ bánh sẽ cứng. Sau khoảng 1 – 3 ngày vỏ bánh sẽ mềm dần nhờ dầu trong nhân bánh thấm ra ngoài, và nâu vàng hơn nhờ trứng quết mặt bánh và nước đường xuống màu. Có một số “quy tắc” là:

  • vỏ bánh có nhân nhiều dầu (như nhân đậu) sẽ mềm nhanh hơn vỏ bánh nhân ít dầu (như nhân thập cẩm)
  • vỏ bánh mỏng sẽ mềm nhanh hơn vỏ bánh dày
  • vỏ bánh khi nướng xong rất cứng sẽ mềm chậm hơn vỏ bánh khi nướng xong có vị bùi vừa ăn.

Theo những quy tắc này, bạn có thể tự điều chỉnh để vỏ bánh như ý muốn. Ví dụ, với nhân đậu xanh, có thể làm vỏ dày hơn một chút và nướng cứng hơn một chút để dầu ngấm ra là vừa.

Có một cách mình hay dùng là sau khi nướng xong toàn bộ bánh, đợi lò nguội về khoảng 100 – 110 độ C, cho tất cả bánh vào nướng (hai lửa, bánh đặt ở rãnh giữa lò) trong khoảng 10 – 15 phút. Việc nướng ở nhiệt độ thấp này sẽ giúp rút bớt hơi ẩm trong bánh, giúp cho vỏ bánh khô và cứng hơn (giống như sấy bánh quy). Để bánh trong lò càng lâu thì vỏ bánh càng cứng nên cần theo dõi, tránh để vỏ bánh bị cứng quá. Bạn nào thích ăn vỏ bánh cứng giòn kiểu bánh Hữu Nghị ngày xưa thì có thể áp dụng cách này.

Bánh sau khi nguội, nếu bỏ trong túi hay hộp kín thì cần túi hút ẩm. Vì nếu không khí & hơi nước không có chỗ để thoát ra sẽ đọng lại trên bánh, làm cho vỏ bánh bị ẩm ướt, nhão.

Bánh có thể để ở nhiệt độ phòng (nơi thoáng mát) trong 2 – 3 ngày, để trong tủ lạnh từ 4 – 7 ngày. Mình đã thử để ngăn đá, rồi rã đông bánh trong ngăn mát tủ lạnh, sau đó để bánh bên ngoài cho hết lạnh hoàn toàn, mùi vị của bánh vẫn rất ổn.

G. Các vấn đề khác

Bánh đóng không sắc nét, bị chảy xệ: có thể do nhân quá nhão hoặc vỏ nhão

Bánh đóng xong sắc nét nhưng nướng xong bị mất nét, hoặc mặt bánh bị nứt, thành bánh bị cong, phù: nếu dùng ct vỏ của SD thì có thể do nhiệt nướng hơi cao quá, mặt bánh hơi gần với lửa trên, vỏ bánh hơi khô, hoặc dùng quá nhiều bột áo (nếu áo khuôn bằng bột). Ngoài ra, có thể do bọc vỏ bánh chưa đủ khít, có không khí giữa vỏ và nhân (khi nướng, khí này phồng lên làm vỏ bánh bị phồng).

Bánh đóng xong sắc nét, nướng lần một ổn, sau khi quét trứng xong thì mất nét: do quét trứng hơi dày.

Bánh bị nứt, phồng hoặc rạn vỏ: do quét trứng hơi dày hoặc quét trứng khi mặt bánh còn ướt.

Bánh bị ướt kiểu hơi dính sau khi để ngoài 1 – 2 ngày: do nước đường mới nấu chưa để đủ lâu, hoặc trong hỗn hợp trứng có đường/ nước đường/ nước hàng/ nước màu dừa/ mật ong/ mạch nha… Do bảo quản bánh trong nơi bí hơi.

Vỏ bánh khô và cứng, để qua ngày vẫn không mềm: do vỏ bánh hơi dày và nướng lâu/ nhiều lần, nhiệt độ cao.

—————

BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ TRUNG THU

A. Kiến thức chung

  1. Tổng hợp cách làm bánh nướng, bánh dẻo trung thu
  2. Giải đáp các vấn đề/ thất bại thường gặp khi làm bánh nướng trung thu
  3. Cách chữa vỏ bánh nướng bị mềm nhão, ướt, tách nhân hay khô cứng
  4. Cách làm trứng muối
  5. Cách xử lí trứng muối để làm nhân bánh
  6. Cách chọn khuôn bánh trung thu
  7. Cách làm rượu Mai Quế Lộ
  8. Tự làm màu thực phẩm từ rau củ quả tự nhiên

B. Cách làm bánh nướng trung thu

  1. Cách nấu nước đường bánh nướng trung thu
  2. Cách làm bánh nướng trung thu (trộn bột, bọc nhân, đóng bánh và nướng)
  3. Cách làm nhân đậu xanh – trà xanh – lá dứa
  4. Cách làm nhân thập cẩm – sữa dừa
  5. Cách làm nhân sen nhuyễn
  6. Bánh trà xanh nhân đậu đỏ
  7. Bánh hoa cúc vàng (vị nghệ tây, chanh vàng, chanh leo)
  8. Bánh nướng hoa hồng đỏ (màu đỏ củ dền, nhân café, chocolate, rum nho)
  9. Giải đáp các vấn đề/ thất bại thường gặp khi làm bánh nướng trung thu
  10. Cách chữa vỏ bánh nướng bị mềm nhão, ướt, tách nhân hay khô cứng

C. Cách làm bánh dẻo trung thu

  1. Cách làm bánh dẻo kiểu Việt Nam ít ngọt
  2. Giải đáp các thắc mắc/ vấn đề thường gặp khi làm bánh dẻo

 

94 phản hồi tới {Bánh trung thu} Giải đáp thắc mắc, các thất bại thường gặp & cách khắc phục

  1. Hoang Phuong
    Tháng Chín 5, 2015 vào 12:16 chiều #

    Chào chị Trang. Chị ơi cho em hỏi em làm mỡ đường, lúc làm xong em bật quạt hong mà sao đường bị chảy nước ra, ướt lắm. Như thế có dùng được không chị? Cám ơn chị vì công thức rất chi tiết. Mong phản hồi sớm của chị ạ

  2. Yong
    Tháng Tám 30, 2015 vào 9:56 chiều #

    Chị ơi cho em hỏi, vì thời gian em hạn hẹp nên em định làm nhân trước 1 ngày rồi hôm sau mới làm bánh nướng, làm vậy thì bánh có bị giảm chất lượng không ạ, và nên bảo quản ở điều kiện như thế nào ??
    Em cám ơn chị ạ :)

    • Linh Trang
      Tháng Tám 31, 2015 vào 2:06 sáng #

      Thật ra nếu trời thoáng mát thì để ở ngoài cũng không sao. Nếu không thì để ngăn đá em ah, hôm sau rã đông trong ngăn mát là dùng được

  3. July
    Tháng Tám 25, 2015 vào 10:10 sáng #

    Hi Trang,
    Từ năm ngoái đến năm nay chị cứ mua sách rùi lọ mọ ct của e , nên làm bánh TT cũng rất thành công, chỉ khác chút xíu là nấu nước đường = đường trắng thui, c k mua dc đường vàng.

    ===== Bánh c học e đóng bánh, phết bánh rất ok, chỉ tiếc là nướng bánh xong thì bánh k cứng đơ hẳn, mà vẫn hơi hơi mềm như trong bài em nói, để qua hôm sau ăn đã rất nngon, nhưng tay cầm vào bánh thì cảm giác có dầu ở tay, vậy chị có cần bỏ bớt dầu ăn trong ct vỏ k nhỉ?( c cũng đã cho bánh vào sấy 100 độ như e nói, nhưng do đáy bánh và mặt bánh bị đậm màu hơn thân bánh, nên chỉ dám sấy 10′ thui, lúc nào mặt bánh và đáy bánh cũng đậm màu hơn thân bánh)

    =======Riêng nhân đậu xanh sên nhân rất ok.
    Nhưng vẫn có đôi 3 lần sên nhân xong vẫn cảm thấy còn đọng ít dầu trên chảo, chứ k hoản toàn khô ráo như của e. nếu vậy c có cần tiếp tục sên thêm nữa k nhỉ?
    c mún gửi hình e coi mà k biết làm sao ???

    https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1469053420087299&id=100009479651772&pnref=story

    • Linh Trang
      Tháng Tám 26, 2015 vào 3:09 chiều #

      Với bánh nhân nhuyễn có thể bỏ trứng khỏi ct bột vỏ để vỏ cứng hơn ạ, em đang thử lại, chị đợi em thêm chút nhé.
      Nhân có thể có ít dầu bao ngoài, không sao đâu ạ, nếu mà tách dầu thì nhân sẽ có rất nhiều dầu và không mịn được cơ ạ :)

    • July
      Tháng Tám 28, 2015 vào 10:55 sáng #

      ôi cảm ơn em , mong mãi hn e đã reply rùi, e đã xem ảnh của c gửi link được k? c sẽ đợi bài bỏ trứng trong ct của e, hi vọng sẽ làm ok hơn.
      Và tối qua c đã làm 1 mẻ bánh test, để trước khi làm bánh từ thiện cho các em nhỏ, thì lại gặp 1 lỗi mà lần đầu gặp, đó là 1 phần thân bánh và đáy bánh khi bóp tay vào vỏ bánh rách, có vẻ rỗng rỗng, vỏ như kiểu bị mục ( gỗ mục ), trong khi 1 phần vỏ lại dính với nhân, 1 phần vỏ lại rời tách ra, nó k hẳn là tách nhân, mà kiểu lỗi là do vỏ, co khi nào do c làm nước đường đặc quá ( đặc như khi rót ra phễu nó vẫn chảy chậm đều ), hoặc có khi nào do c ấn khuôn lò xo mạnh tay qua, ép cái phần vỏ thân và đáy xuống như bị nén mạnh, nõ vỡ ra k nhỉ?

      Cảm ơn e rất nhiều.

      • Linh Trang
        Tháng Tám 28, 2015 vào 1:37 chiều #

        Nếu chỉ xem ảnh thì em sẽ chấm điểm 10 ạ, bánh quá đẹp rồi ấy chị ;)
        Cái vụ vỏ rỗng thì thú thực là em không tưởng tượng được ra, có thể là vỏ mới nướng hơi cứng quá chăng.
        Em thử lại công thức vỏ không có trứng và nướng nhiệt độ cao hơn rồi ạ, đúng là vỏ cứng hơn, sau hai ngày dầu tươm ra thì bắt đầu mềm một chút, vỏ này có thể để được lâu hơn ạ.

    • July
      Tháng Tám 29, 2015 vào 9:03 sáng #

      Ôi vậy c sẽ làm bỏ trứng như e , c cũng hỏi mấy bạn rùi, họ nói do nước đường của c đặc quá nên vỏ bánh bị bở ( hn mới biết dùng từ chính xác ), nó bở nên nó dễ vỡ ra, chỉ bĩ ở 1 phần của đáy bánh thôi, c lại quên k chụp ảnh mất rồi, hic…..
      Thực sự càm ơn e nhiều lắm, thành công c lại khoe, c chẳng làm bán hay kinh doanh, chỉ đến mùa tranh thủ làm để từ thiện cho người nghèo khó và trẻ em chút ít thôi, nên cũng k đi học làm bánh ở đâu, ngày nào cũng trên SD của e để luyện loại bánh nào muốn tặng thôi,
      Cảm ơn em nhìu nhe <3

  4. Diệu An
    Tháng Bảy 29, 2015 vào 8:29 chiều #

    Trang ơi! Cho mình hỏi 1 câu về nhân bánh nhé.vì làm bánh trung thu ngàn lớp theo kiều của bếp nhà kiwi, nhân làm giống phần của trang,nhưng để bánh ở ngoài 1 ngày thì nhân khi bẻ đôi(chứ không phải cắt thì sẽ thấy đường chỉ trong nhân kéo dài ra,giống như kiểu nhân bị hỏng.Ăn thì vẫn ngon không chua hư,nhưng những đường chỉ kéo dài ra khi ăn rất khó chịu giống như bánh để lâu ngày bị hư vậy.Chỉ để tủ lạnh thì không sao.Vậy bánh mình làm theo cách handmade chỉ để trong tủ lạnh thôi à Trang.Cám ơn Trang về những công thức chi tiết giúp những đầu bếp không chuyên có thể làm ra đuợc những món ngon.

    • Linh Trang
      Tháng Bảy 31, 2015 vào 4:55 chiều #

      Mình không hiểu về đường chỉ kéo dài mà bạn tả lắm, bạn làm nhân gì và có dùng mạch nha không? Mình chỉ nghĩ khả năng đó là đường hoặc nếu là loại nhân dẻo như sen thì cũng có thể.

      • Diệu An
        Tháng Bảy 31, 2015 vào 10:06 chiều #

        Mình làm nhân đậu xanh, khoai môn ,đều bị như vậy.Để năm nay mình thử làm lại,mình sẽ chụp hình lại cho Trang xem.cám ơn Trang đã trả lời.

  5. Quynh Anh
    Tháng Chín 9, 2014 vào 1:55 chiều #

    Trang ơi, mùa trung thu năm nay kết thúc rồi, nhưng chị vẫn chưa hiểu vì sao bánh chị lại không thành công như những loại bánh khác chị đã hoc được trên trang SD này. Chị làm đến 4 mẻ, mà cả 4 đều bị lỗi là vỏ bánh khi nướng xong vẫn mềm, không khô cứng như bánh quy (như mô tả của Trang), bánh để qua ngày thứ 2 hoặc 3 là vỏ bánh đã mềm lắm rồi, thậm chí sờ còn dính bột bánh vào tay, hoặc dính vào bao gói bánh. Xem bài các lỗi thường gặp và cách khắc phục, chị cũng k tìm ra nguyên nhân. Nước đường thì chị nấy từ 6 tháng trước, nhưng gần đến trung thu lấy ra coi mới biết là bị lại đường nên chị nấu lại. Không biết như vậy tính là nước đường mới nấu không nhỉ? Bột sau khi nhồi xong thì hơi khô khô, vậy mà nướng không thấy khô gì cả. Mẻ thứ nhất chị còn xịt nước để bánh khỏi nứt nhưng sau chị thấy bánh nướng qua 2 – 3 lần chả nứt gì cả nên chị bỏ luôn công đoạn xịt nước. Trang bắt bệnh giúp chị với. (Anyway, chất lượng bánh thì vẫn tuyệt vời)

  6. Chi
    Tháng Tám 30, 2014 vào 7:11 chiều #

    Ôi chị ơi cứu em với :-ss hôm trước em sên nhân đậu xanh, mất hơn 2 tiếng, nhìn thành phẩm cũng ưng ý lắm, nhưng đến tận hôm nay em mới nhớ ra là quên chưa cho bột bánh dẻo vào huhu. Bh có chữa lại được băngf cách cho thêm nước nóng và dầu ăn không hả chị? Hay e phải làm lại từ đầu :(

    • Linh Trang
      Tháng Chín 2, 2014 vào 3:12 sáng #

      Bôt bánh dẻo là thứ rất phụ thôi, nhân đã ưng rồi thì ko cần cho thêm gì đâu em nhé :)

  7. Phuong
    Tháng Tám 27, 2014 vào 1:04 sáng #

    Trang a, banh sau Khi chi cho vao khuon va lay banh ra, thi 4 goc no xech xuong, chu ko thang deu. Chi quet trung va nuong 2 lan, banh sau Khi nuong be mat no nhu bi chay den, nhan sau khi chi cat ra xem thu thi thay no kho, ko deo ( chi lam nhan Dau xanh ), banh chi lam 100gr, nuong nhiet do theo Huong Dan cua Trang, thoi gian thi chi nuong 10 phut. Den hom nay banh duoc 2 Ngay Roi ma banh van chua ra Dau, nhan van kho, no rot ra chu ko chac. Vay la nhan va vo deu bi kho ha em? Nuoc duong chi lam Khi lay ra no dac chu ko long, chi Phai dung muong lay tung chut ra. Vay la chi lam sai khau nao ha em? Mong em giai dap thac Mac dum chi. Cam on em nhieu!

    • Linh Trang
      Tháng Tám 27, 2014 vào 10:02 chiều #

      Về việc đóng bánh thì có thể là do lúc đóng bánh chưa đều, nên 4 góc bị thấp hơn so với ở giữa, chị xem thêm trong clip đóng bánh của em nhé,
      Nướng bánh mà mặt có dấu hiệu cháy đen là do bánh gần lửa trên quá hoặc nhiệt trong lò quá nóng, chị thử hạ nhiệt dộ xem ạ. mỗi lò mỗi khác nên đôi khi mình sẽ phải tự chỉnh, công thức chỉ là mốc để tham khảo thôi.
      Nước đường em trả lời trong câu hỏi của chị về nước đường rồi ạ.
      Chị viết tiếng Việt có dấu giúp em nhé, vì hàng ngày em phải trả lời khá nhiều câu hỏi tại blog, đọc tiếng Việt không dấu thực sự cũng hơi mệt ạ.

      • Phuong
        Tháng Tám 28, 2014 vào 4:26 sáng #

        Chi cam on em, sorry em vi may cua chi ko go Dau tieng viet duoc, chi sorry vi da lam phien em :( Chuc em cuoi tuan vui ve !

  8. May Ka
    Tháng Tám 25, 2014 vào 8:30 sáng #

    Hôm qua em đã làm mẻ bánh theo công thức của chị Trang, vỏ bánh rất thơm ạ. Nhờ có video hướng dẫn quét mặt bánh của chị mà em đã cho ra đời mẻ bánh nét hơn lần trước rất nhiều (em hy sinh cái cọ trang điểm luôn ạ :D ). Cảm ơn chị Trang vì đã chia sẻ kinh nghiệm bằng những clip rõ ràng, chi tiết và dễ hiểu ạ :).
    https://scontent-a-lax.xx.fbcdn.net/hphotos-xpf1/t1.0-9/983772_4448585110276_119511343795655803_n.jpg

  9. Vyvy
    Tháng Tám 24, 2014 vào 11:27 chiều #

    Chị ơi e đã làm thử như công thức chị hướng dẫn và thấy tương đối thành công ạh, em cám ơn chị. Có điều e là sẵn vỏ bánh rồi để tủ đá khi nào gói tiếp thì e rã đông tưj nhiên rồi nhồi lại có đượ k chị? Nhân cũng thế ạh? Với lại e thử làm nhân khoai môn, lượng khoai gấp đôi với công thức đậu xanh, đường và dầu ít hơn, nhưng khi đóng bánh thì đã k cố địn dc dáng so với ban đầu chị ạh, còn nướng xong trông giống như cái trống í chị, phồng 2 bên, k hiểu là nó bị làm sao, chị vui lòng giải thích giúp e nhé, e cám ơn ạh

    • Linh Trang
      Tháng Tám 27, 2014 vào 10:50 chiều #

      Khoai môn bị dẻo quá nên phồng như vậy em ah, em tăng lượng bột mì hoặc thêm đậu xanh hay đậu trắng vào nhé.

  10. Thu
    Tháng Tám 23, 2014 vào 2:41 chiều #

    Chị làm 2 mẻ bánh nướng rồi e ạ. Bánh ra đẹp sắc nét. Có điều nhân đâuj xanh chị là hơi khô và k đc nhuyễn do khau xay c làm chưa cẩn thận và tự ý rút bớt dầu ăn. Nhưng mọi người ăn đều khen vỏ bánh chuẩn. Một vấn để nữa là vỏ bánh bị tách khỏi nhân. Là do lúc chị nặn chưa đc chặt tay ép cho ko khí ra hay còn nguyên nhân nào khác nhỉ e nhỉ? Cám ơn công thức của e nhé. Nhờ có chuỗi bài bánh trung thu năm nay của e mà chị mới dám xuống tay làm bánh đấy :D

    • Linh Trang
      Tháng Tám 24, 2014 vào 10:36 chiều #

      có thể là do nhân còn hơi nước hoặc dầu bám bên ngoài, khi nướng xong hơi nước bay bớt, dầu ngấm ra ngoài vỏ, là 2 nguyên nhân làm cho nhân có thể bị “co” và tách khỏi vỏ ạ.

  11. Linh
    Tháng Tám 22, 2014 vào 9:58 chiều #

    tiêu r chị Trang ơi, e làm nước đường đc khoảng 1 tuần r, chưa dám lôi ra, vẫn đang đậy kín. Mà hnay e ms chợt nhớ ra là lúc bỏ nc chanh e quên ko lọc, còn nguyên tép chanh. Có sao k chị ơi??? :(

  12. Kim Hà
    Tháng Tám 22, 2014 vào 1:15 sáng #

    Bánh bị ướt kiểu hơi dính sau khi để ngoài 1 – 2 ngày: do nước đường mới nấu chưa để đủ lâu, hoặc trong hỗn hợp trứng có đường/ nước đường/ nước hàng/ nước màu dừa/ mật ong/ mạch nha…
    Chị kh6ng hiểu câu này nè em:
    “hoặc trong hỗn hợp trứng có đường/ nước đường/ nước hàng/ nước màu dừa/ mật ong/ mạch nha…”
    trong hh trứng nào em?

    • Linh Trang
      Tháng Tám 22, 2014 vào 3:44 sáng #

      ý em là hỗn hợp trứng phết mặt bánh ạ :) đường giúp bắt màu nhưng đồng thời cũng dễ bị chảy gây hiện tượng dính

      • Kim Hà
        Tháng Tám 23, 2014 vào 4:32 chiều #

        Cảm ơn em nhiều…

  13. May Ka
    Tháng Tám 21, 2014 vào 8:46 sáng #

    Chị Trang ơi, chị có thử để bánh hơn 3 ngày chưa ạ? Em làm bánh trung thu với công thức vỏ bánh k có lòng đỏ trứng, chỉ có bột mì, nước đường, dầu ăn thì bánh để được đúng 1 tuần (vỏ bánh cũng rất thơm nhưng hơi khô ạ). Em định làm để gửi tặng, mà để được có 3 ngày chắc đến gửi đến nơi là nó hỏng mất rồi quá :D.
    Có phải do công thức vỏ bánh của chị có lòng đỏ và bơ đậu phộng nên nhanh hỏng hơn không ạ?

    • Linh Trang
      Tháng Tám 22, 2014 vào 4:03 sáng #

      Lần lâu nhất chị để bánh là 7-8 ngày gì đó ở nhiệt độ phòng em ạ. Chị có ghi trong bài rồi.

  14. thuong
    Tháng Tám 20, 2014 vào 7:55 chiều #

    Bạn Trang cho mình hỏi, mình sên nhân đậu xanh rất dẻo mịn, nhưng lại không được trong như của Trang hay bánh hiệu. khi cắt bánh ra nhìn nhân vẫn màu vàng của đậu. Mình đã sên hơn 1h, và cũng cho dầu ngay khi nhân đang còn nhiếu nước. Thường Trang sên nhân bao lâu vậy, tại sao nhân mình không trong như nhân Trang làm nhỉ

    • Linh Trang
      Tháng Tám 20, 2014 vào 10:59 chiều #

      Mình nghĩ không phải do thời gian sên đâu, bạn có ảnh chụp nhân bánh không, cho mình xem với

      • thuong
        Tháng Tám 21, 2014 vào 12:00 sáng #

        mình ăn hết mất rồi, cuối tuần mình làm lại, chụp hình nhờ bạn bắt bệnh dùm mình nhé. nhìn nhân bạn làm trong thik lắm, ko như nhân của mình

  15. Loannguyen
    Tháng Tám 19, 2014 vào 3:49 chiều #

    Chị Trang ơi, em đã làm theo công thức của chị, từ cách làm nhân, nước đường cho đến vỏ bánh, bánh nướng lên ăn rất thơm, cả nhà em đều ưng hết chị ạ, nhưng cách đóng khuôn em làm vẫn chưa đc chị ạ, em làm theo như chị dạy, quét mỏng lớp dầu lên khuôn, cho bánh vào ép ra nhưng lúc ép cho bánh ra thì bánh k ra chị ạ, mặt bánh bị dính vào mặt khuôn ấy, em toàn phải lấy tay gỡ nhẹ ra nhưng thành bánh nó bị chìa ra :( làm 10 cái đều như 10 bị vậy, thêm nữa, em đã kiểm tra từ hoa văn đến khuôn, k bị hỏng hay hoa văn k đều, thế mà lúc em ép ra thì cứ có 1 góc nó k lên rõ hoa văn, mặc dù em đạ ần đều trc khi ép rồi :( chị có thể post clip lúc chị đóng khuôn k ạ :(

  16. Bùi Thị Thúy Ngà
    Tháng Tám 19, 2014 vào 11:20 sáng #

    Cám ơn chị Trang nhiều lắm, nhờ công thức chị chỉ tận tình em đã thành công ở mẻ bánh đầu tiên. Cả nhà ai cũng khen, em vui lắm. Nhưng do em làm nhân nhiều nên em đang bảo quản trong ngăn đá, chị cho em hỏi, giờ mẻ sau em làm thì em phải xử lý nhân như thế nào ạ, em rã đông rồi vẫn làm như bình thường hay sao chị :) tại hôm trước em làm để nhân qua 1 đêm ở ngăn mát thì nhân cũng có hiện tượng nứt và khô nên em sợ lần này sẽ tệ hơn, chị vui lòng cho em ý kiến chị nhé. cám ơn chị.

    • Linh Trang
      Tháng Tám 20, 2014 vào 11:34 chiều #

      Nếu có dấu hiệu khô thì có thể hòa với ít nước nóng cho loãng ra rồi sên lại em ah :)

  17. Phuong
    Tháng Tám 18, 2014 vào 9:57 chiều #

    Chị ơi, chị cho em hỏi, nếu em làm bột vỏ bánh nhưng dùng ko hết thì có thể bọc lại rồi trữ trong ngăn đá hay ngăn mát tủ lạnh lần sau dùng tiếp được không chị ?

  18. ngoc
    Tháng Tám 17, 2014 vào 7:09 chiều #

    Trang ơi bây giờ chị mới đọc kĩ phần nhân , bánh của chị nhân co lại và rời vỏ sau 1 ngày là do : nhân chị sên hơi khô mà lại cho thêm bột ngô nữa nên bị bở mà không dẻo. Chị sẽ làm lại báo cáo em sớm. Cảm ơn em nhiều. Cuối tuần vui em nhé. ☺☺☺☺☺☺

  19. Minh Hương
    Tháng Tám 17, 2014 vào 12:10 chiều #

    c ơi! cho e hỏi :) e muối trứng đc hơn 2 tuần rồi k có váng nhưng lại có bọt khí nổi trên bề mặt có bị sao k chị ??? e lại k ở nhà trực tiếp ktra :( nhưng bảo c gái e xem hộ thì có hiện tượng đấy :(((

  20. Camili
    Tháng Tám 16, 2014 vào 9:18 chiều #

    Cam on em da share cong thuc lam banh trung thu . Mac du em co ra sach nhung van ghi chep cac cong thuc cong khai va chi tiet tren mang de moi nguoi khong co dieu kien mua sach nhu chi van co the nghien cuu de lam cho gia dinh thuong thuc .Tat ca cong thuc cua em deu de hieu lai vua de lam . Chuc em mot ngay cuoi tuan that vui ve va hanh phuc . Thanks em .

    • Linh Trang
      Tháng Tám 17, 2014 vào 4:13 chiều #

      Em cảm ơn chị. Chúc chị và gia đình cuối tuần vui vẻ ạ :)

  21. Hà Anh
    Tháng Tám 16, 2014 vào 6:34 sáng #

    C ơi, nếu bánh của em để sang ngày hôm sau vỏ bị ướt dính, thì có thể cho vào lò sấy lại được không ạ? Em nướng bánh tổng cộng 4 lần, quét trứng 3 lần, nhưng bánh lại bị ướt hơn lần trước (nướng 3 lần), có phải là do nhiệt độ lò hơi thấp không ạ?

  22. Hằng
    Tháng Tám 16, 2014 vào 12:14 sáng #

    Trang thân !
    Chị muốn hỏi khi nướng bánh lần 1 để ở nấc dưới nấc giữa thì nướng lần 2 vẫn để ở nấc đó ah ? Bánh chỉ cần nướng 2 lần thôi đúng k e ? Hỗn hợp quét mặt bánh không cần phải thêm màu có đk ? vì chị cho màu đỏ vào quét lên bánh nhìn rất kinh ( xì dầu là loại nước tương hay là loại nào )
    Lần trk làm bánh theo công thức của kênh 14.vn bánh khô quá, lần này làm theo công thức của e thì rất ngon.
    Bánh chưa kịp để xuống màu đã chén hết rùii hiii ;)
    Thanks e nhìu nhé !

    • Linh Trang
      Tháng Tám 16, 2014 vào 2:11 sáng #

      Xì dầu là nước tương ạ, có xì dầu bánh sẽ lên màu kiểu hơi nâu thẫm. Màu đỏ mà em dùng thì cho kiểu vàng nâu nhưng ko có cũng ko sao ạ
      Bánh thường em quét trứng 2 lần, tổng cộng là 3 lần nướng. Có người nướng 4, 5 lần, cái này là tùy mình thôi ạ. Các lần nướng sau em hay để bánh gần lửa trên hơn cho vàng mặt nhanh vì thành bánh chín rồi.

      • Hằng
        Tháng Tám 18, 2014 vào 10:51 chiều #

        Thanks e nhìu nhé !

  23. thoa
    Tháng Tám 15, 2014 vào 11:36 chiều #

    Em ơi, c sên nhân cũng bị trường hợp tách dầu, chắc tại chị cho dầu ăn vào muộn qúa! Có cách nào sửa lại nhân k em? Ở trên chị đọc chỉ thấy cách sửa nhân khô, còn nhân tách dầu thì k thấy nói cách sửa… Giúp chị nhé! Thanks iem

    • Linh Trang
      Tháng Tám 16, 2014 vào 2:14 sáng #

      Em nghĩ nó cũng giống trg hợp nhân bị khô thôi ạ. Đầu tiên là mình lấy khăn hoặc giấy thấm hết dầu thừa bên ngoài, rồi dùng nước sôi pha loãng nhân, cho thêm 1 lượng dầu bù vào phần dầu đã bỏ đi, sên đến khi nhân dẻo. Nhưng em chưa thử tự làm bao giờ nên nếu được chị nhắn em biết kết quả với nhé.

      • thoa
        Tháng Tám 16, 2014 vào 4:13 chiều #

        Hic, em ơi! C vừa sên lại nhân tách dầu bằng cách cho nước sôi vào và sên lại. Lúc lắc nó đang ướt thì có vẻ như mịn mượt,hơi nát thì đã mừng. Nhưng đến khi sên tiếp cho khô lại, thì vẫn bị tách dầu như cũ…. C đang nghĩ có khi là do nhiều dầu qúa!
        C bực qúa mua hạt sen về ninh và sên lại. C áp dụng cho dầu vào trước, cho từ từ lần lươt 3 lần vào trước khi cho bột bánh dẻo. Nhg cũng như lần trước, nhân sên vẫn tách dầu…. Bắt đầu có tý nản… Help mé… Oa…oa

  24. Binie
    Tháng Tám 15, 2014 vào 11:06 chiều #

    Dạ câu hỏi hơi không liên quan một tí:
    Em nấu nước đường bánh dẻo từ ngày 30/7, tới nay hơn 2 tuần rùi. Em nấu 1kg đường 1l nước, sôi 15p vắt nước cốt một quả chanh vào. Đáng lẽ thêm 5p nữa thì tắt bếp, mà em quên nên 30p sau mới tắt :((
    Thành quả ra ngả vàng, sánh. Lúc mới nấu xong để nguội nếm thử thì ko vấn đề gì
    Mà để tới nay thì thấy bên trong lọ xuất hiện mấy sợi váng trắng ( khó miêu tả quá =.=). Phải nhìn ngang và nhìn kỹ mới thấy, chứ nhìn từ trên xuống chẳng thấy gì.
    Em cam đoan là nước cốt chanh đã được lọc kỹ rồi nha :((
    Thêm cái là bây giờ nếm thử một muỗng lại thấy lúc đầu ngọt, lúc cuối thì nó hơi nhẫn nhẫn ở lữoi nữa ạ. Lúc nấu xong thì hoàn toàn bình thường mà
    Chị nào có kinh nghiệm bắt bệnh giúp em với. Em còn biết đường xử lý nữa ạ :((

    • Linh Trang
      Tháng Tám 16, 2014 vào 2:15 sáng #

      chị nghĩ có thể vớt bỏ váng, nếu ko thấy có nhiều tạp chất thì dùng vẫn được. Cẩn thận có thể cho ít nước nóng đun lại nhưng chắc không cần thiết.

  25. Tôi yêu bánh
    Tháng Tám 15, 2014 vào 10:32 chiều #

    Cám ơn Trang đã chia sẻ những món ăn đầy tâm huyết. Bánh mình làm ra màu đẹp và ăn ngay thì rất ngon nhưng để 1-2 ngày thì bị ướt kiểu hơi dính như Trang đã đề cập trong bài đó, mặc dù nước đường mình đã để hơn 2 tuần và trứng ko bị lẫn gì cả. Vậy mình có nên bỏ trứng trong công thức vỏ bánh để bánh cứng cáp hơn ko hay là nên sấy bánh?

    • Xuân
      Tháng Tám 15, 2014 vào 11:05 chiều #

      E cũng bị giống y như c…nc đường e cũng nấu hơn 1 tháng, và trong hỗn hợp trứng k có lẫn gì hết. E làm mấy đợt rồi, vẫn bị y chang như vậy. Hiz, k biết có bị sao ko nữa…chắc đợt sau e thử sấy bánh xem đỡ hơn ko.

      • Linh Trang
        Tháng Tám 16, 2014 vào 2:18 sáng #

        @ bạn Tôi yêu bánh & Xuân: nếu bánh khi mới làm xong mình ăn thấy vừa thì có thể là vỏ hơi mềm hơn so với thông thường (vì thường thì bánh nướng xong sẽ cứng). Mình nghĩ cách tốt nhất là sấy thêm cho bánh cứng hơn một chút, rồi để cho bánh tươm dầu là vừa. Trứng không làm cho bánh bị dính đâu. Ah nếu bảo quản trong hộp kín thì các bạn nhớ dùng hút ẩm nhé.

        • Xuân
          Tháng Tám 16, 2014 vào 9:56 sáng #

          Cảm ơn c..để đợt sau e thử lại.

  26. Trang
    Tháng Tám 15, 2014 vào 10:14 chiều #

    e đang đọc bài này đúng lúc mà chán nản nhất vì ko sên đc nhân và phải bò ra đường di rõ xa để mua thử xem nhân ngoài hàng sên chuẩn nó như nào :))))may quá huhu e bắt đầu quyết tâm mai sên lại ròi ý :)) e cám ơn chị quá nhiều ạ :xxxxxx

  27. Chi
    Tháng Tám 15, 2014 vào 10:06 chiều #

    Chị Trang ơi, bánh nướng cần để 2-3 ngày sau vỏ bánh mới mềm, tức là phải ăn luôn và ngay sau 2-3 hôm đấy ạ, hay là sau đó thêm 2-3 ngày để ăn nữa ạ? Nếu không phải để luôn tủ lạnh sau khi chờ vỏ bánh mềm à chị? Em muốn làm để đi tặng, nhưng sợ tặng nhiều mà họ không thể ăn ngay hết được, nên e đàn nghĩ cách bảo quản cho hợp lí nhất. Chị cho em gợi ý với ạ. Em cảm ơn chị.

    • Linh Trang
      Tháng Tám 16, 2014 vào 2:20 sáng #

      nếu tặng thì chị nghĩ có thể làm xong rồi tặng luôn. Nhưng bánh tự làm ở nhà chị thấy ăn trong vòng 3 ngày đầu là ngon nhất, vì mình ko dùng chất bảo quản, lại cho ít đường và dầu ăn (là những thứ giúp bánh ít bị ẩm mốc) nên bánh sẽ không để được lâu như bánh ngoài hàng. Nếu muốn giữ được lâu thì nên cho vào ngăn đá, khi ăn thì để xuống ngăn mát cho tan đá rồi để ngoài cho hêt slanhj là dùng đc. Để ngăn đá thì được vài tháng em ah.

  28. Vân
    Tháng Tám 15, 2014 vào 10:04 chiều #

    Chị vẫn đang đợi nước đường, rượu và trứng đur thời gian để có thể làm mẻ bánh đầu đây. Bao giờ có thành phẩm sẽ chia sẻ với em nhé.

  29. Le Hang
    Tháng Tám 15, 2014 vào 10:04 chiều #

    That tuyet voi, e dag doi trung muoi chin thi se bat tay vao lam ngay, non wa di thoi hjhj. C oi, e thix an banh that cam, c mau mau viet cong thuc nhan that cam nhe.

  30. atesca
    Tháng Tám 15, 2014 vào 10:04 chiều #

    Trang đúng là làm bánh như một nhà khoa học ý :x

    • Linh Trang
      Tháng Tám 16, 2014 vào 2:21 sáng #

      tuy vẫn chỉ đang ở “junior level” nhưng bạn Trang là 1 nhà khoa học thích làm bánh mà ;)

Trả lời